Ngân hàng đang hút khách ngoại
Một trong những giải pháp được đề cập cho vấn đề tăng vốn của các ngân hàng là nới room cho nhà đầu tư ngoại. Trên thực tế liên tiếp trong thời gian qua, thị trường ngân hàng đón nhận những tín hiệu tích cực khi hai ngân hàng có quy mô gần như lớn nhất hệ thống đã bán được vốn cho đối tác ngoại. Đó là BIDV đã chính thức chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank (Hàn Quốc) để tăng vốn. Theo phương án trình cổ đông, BIDV sẽ phát hành 603 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn hiện tại và 15% vốn sau khi tăng vốn cho KEB Hana Bank. Toàn bộ vốn huy động đợt này sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh. Hiện thương vụ đang diễn tiến theo chiều hướng tích cực.
Trước đó, Vietcombank cũng được NHNN chính thức chấp thuận kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn theo phương án Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietcombank, mức phát hành thêm 10% là tỷ lệ sở hữu khá lớn và Vietcombank cũng đã cân nhắc khả năng có nhà đầu tư nước ngoài lớn mua và tham gia HĐQT. Trong đó, Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) là một trong những nhà đầu tư tiềm năng của Vietcombank. Nếu thành công, Vietcombank tăng vốn điều lệ từ hơn 35.977 tỷ đồng lên hơn 39.575 tỷ đồng (tương ứng phát hành thêm 10%).
Nếu tăng vốn thành công, hai ngân hàng này sẽ giải tỏa áp lực tăng vốn đảm bảo an toàn vốn dồn nén trong mấy năm qua. Nếu không cải thiện được, các ngân hàng này phải hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số CAR trên ngưỡng tối thiểu. Điều đáng nói, hai ngân hàng trên là ngân hàng quy mô rất lớn, nếu bị hạn chế tăng trưởng tín dụng sẽ tác động mạnh đến kênh cấp vốn đối với nền kinh tế của hệ thống ngân hàng.
Những tín hiệu tích cực giúp việc thu hút vốn ngoại đối với ngân hàng nhiều hơn trong thời gian qua được TS. Cấn Văn Lực đưa ra: Một là, các nhà đầu tư thấy tiềm năng từ câu chuyện về hội nhập khi sang năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Hai là lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước đối với các NHTM quốc doanh đã được quy định rõ tại Quyết định 898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại 3 ngân hàng có vốn nhà nước này đảm bảo mức tối thiểu 51% thay vì 65% như hiện nay. Ba là, thị trường ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2018 được đánh giá khá là tích cực. Bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 40%. Cộng với việc triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 – 2020 vẫn được đánh giá ở mức độ tích cực mặc dù bối cảnh bên ngoài có nhiều rủi ro hơn.
Thời điểm để nới room ngoại?
Theo nhận định của chuyên gia tài chính trong nước và quốc tế, việc bán thêm vốn của các ngân hàng quốc doanh sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại. Hiện nay, giới hạn tỷ lệ sở hữu room ngoại tại một ngân hàng là 30%. Để giúp các ngân hàng huy động được nhiều vốn hơn qua kênh này. Nhất là trong bối cảnh sức ép tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II ngày càng đến gần, có ý kiến đề xuất là nên xem xét nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Câu hỏi đặt ra là, liệu thời điểm này đã phù hợp để nới room và nới ở mức nào cho phù hợp để thu hút dòng vốn ngoại. Theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, việc nới room cho nhà đầu tư ngoại không quá gấp gáp. Hiện, Chính phủ đã có cơ chế mở cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua 100% vốn các ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu bắt buộc. Còn đối với các ngân hàng khác, thì mức độ hiện nay vẫn đang phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện có một số ngân hàng chưa dùng room ngoại. Lý do thì có nhiều, trong đó có tác động từ việc thị trường lên xuống mạnh khiến các nhà đầu tư phải đắn đo. Điều cần lưu tâm nhất là ngân hàng vẫn nhạy cảm hơn so với DN bình thường nên lộ trình mở room, chắc chắn phải từ từ.
Đề xuất nới room theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành không phải mới bàn tới mà đặt ra từ khá lâu, nhưng vì đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến vai trò của nhà nước với bên ngoài, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô… nên Chính phủ cũng cần có cái nhìn thận trọng. Vì vậy, Chính phủ mới chỉ chấp thuận nới room đối với các ngân hàng yếu kém. Theo vị này, nếu nới dưới 50% thì vẫn có thể xem xét, có thể phát hành dạng cổ phiếu vàng. Với loại cổ phiếu này, nhà đầu tư được mua, nhưng không có quyền biểu quyết. “Thông lệ quốc tế tại một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan khá cởi mở với vấn đề này khi mở room nước ngoài cho ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam còn có nhiều yếu tố mang tính đặc thù nên quan điểm thận trọng là cần thiết”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng có cách nhìn như vậy đối với vấn đề này. Nhìn từ trường hợp cổ phần hóa của Agribank, theo TS. Nghĩa, việc thực hiện cổ phần hóa cần cân nhắc kỹ. Vì nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch, không phải là công nghiệp. Muốn cho nông nghiệp trở thành thế mạnh của Việt Nam trong tương lai thì phải phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mới có thể chiếm lĩnh thị trường. Như vậy phải có nguồn lực rất lớn để đầu tư, thậm chí chịu lỗ để đầu tư trong vòng 10 năm, tạo cho nông nghiệp lợi thế vững vàng.
“Do đó, dù các nước khá cởi mở đối với vấn đề này, nhưng hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đang giữ vai trò huyết mạch cho nền kinh tế hiện nay. Để phục vụ mục tiêu này cần có một bệ đỡ tài chính. Vì vậy, không nên vội vã mở toang cửa cho nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Nghĩa khuyến cáo và cho biết, kinh nghiệm của các nước Đông Bắc Á cho thấy, không nên quá vội vàng tư nhân hóa hệ thống ngân hàng. Nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang cần dồn một lượng lớn tài chính vào một vài trọng tâm đòi hỏi nguồn vốn lớn. Trên thực tế, tại nhiều nền kinh tế như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn giữ những ngân hàng quốc doanh để phục vụ mục tiêu của Chính phủ.
Dù cách thức nới room ngoại đối với hệ thống ngân hàng phải tương đối thận trọng, bởi vì “dục tốc bất đạt” nhưng, theo quan điểm TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ cũng cần phải đánh giá tiếp tục cân nhắc để có hướng nới room với nhà đầu tư nước ngoài để khớp với bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.