Trước đó, như đã đưa tin, theo thống kê của VnEconomy trên 25 ngân hàng thương mại cổ phần trong 6 tháng đầu năm, có nhiều nhà băng đã có mức dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, có 9/25 nhà băng có mức tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cao trên 10% trong vòng 6 tháng.
Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 ở mức 14%. Điều này đồng nghĩa với việc, để đáp ứng theo "ngưỡng chặn" mà Ngân hàng Nhà nước giao cho mỗi nhà băng, hoặc các ngân hàng phải "kìm chân" tín dụng trong nửa cuối năm hoặc được chấp thuận việc nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao. Nhiều nhà băng cũng không giấu diếm kỳ vọng được nới room tín dụng lên cao hơn với lý do đã hoàn tất Basel II.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất các ngân hàng. SeABank là báo cáo tài chính riêng
Theo nhiều nhận định của giới phân tích, dù Ngân hàng Nhà nước sẽ nới chỉ tiêu tín dụng cho một số đơn vị tuy nhiên sẽ không nhiều để không ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
Mới đây, kha khá nhà băng đã tiết lộ việc được nới thêm room tín dụng như VPBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 16%; Techcombank cũng cho biết được nới hạn mức tín dụng từ 13% lên 17%; MB được chấp thuận tăng chỉ tiêu tín dụng từ 13% lên 17%; Đại diện ACB chia sẻ được nâng hạn mức cho vay từ 13% lên 17% và lãnh đạo Sacombank cũng tiết lộ được nới chỉ tiêu tín dụng nhưng không nhắc con số cụ thể.
Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia kinh tế cho biết, với việc một số ngân hàng tăng trưởng âm hoặc tăng thấp, không được tăng, ví dụ như các ngân hàng 0 đồng thì việc các ngân hàng khác tăng mạnh sẽ giữ tăng trưởng toàn ngành theo mục tiêu dự kiến đề ra. Nhưng đối với nhu cầu của thị trường, các chỉ tiêu cho từng nhà băng sẽ có thể được nới theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước.
"Tuy nhiên, cơ chế này vẫn chưa sòng phẳng", vị chuyên gia này đánh giá. Ông cho biết, các thông tin về chỉ tiêu tín dụng không được cơ quan quản lý công bố công khai mà đều tự tìm hiểu hoặc do các nhà băng chủ động tiết lộ.
"Không xếp hạng các ngân hàng, không tuyên bố ngân hàng nào được giao chỉ tiêu bao nhiêu, được nới bao nhiêu, thông tin không minh bạch dẫn đến tình trạng tăng không sai mà giảm cũng không sai". Đương nhiên, đối với cơ quan quản lý ắt có lý do, cơ sở nhưng đối với thị trường thì không biết tại sao ngân hàng này ngân hàng kia được nới, khi không có thông tin minh bạch, rõ ràng sẽ dẫn tới sự nghi ngại, một điều không nên trong điều hành chính sách, vị chuyên gia này nhận định.