Bà Chieko Ito, 91 tuổi, đã sống ở chung cư Tokiwadaira suốt 60 năm qua, nơi mà mỗi năm lại có những người chết đi mà không ai biết đến. Bà Ito đã sống cô đơn suốt một phần tư thế kỷ sau khi chồng và con gái bà đã qua đời vì căn bệnh ung thư chỉ cách nhau 3 tháng.
Bà còn một người con gái nữa, nhưng cô ấy sống riêng với gia đình và thỉnh thoảng gửi bưu thiếp cho bà trong những ngày lễ Tết. Việc duy nhất cụ Chieko có thể làm lúc này là nhờ người hàng xóm sống ở tòa nhà đối diện nhìn một lần mỗi ngày sang cửa sổ căn hộ của mình.
Bà có thói quen đóng rèm vào 6h chiều và mở nó vào lúc 5h40 sáng khi bà thức dậy. "Nếu rèm không mở vào buổi sáng có nghĩa là tôi đã chết", bà nói. Khi người hàng xóm đồng ý giúp, bà vô cùng sung sướng và bắt đầu tặng quà gia đình họ vào những khi có thể để tạ ơn. Bà thậm chí còn để lại một số tiền để dọn dẹp căn hộ sau khi bà ra đi trong tương lai không xa.
"Những người xung quanh tôi đã chết, từng người một và tôi là người duy nhất còn lại. Nhưng mỗi khi nghĩ về cái chết, tôi đều thấy sợ hãi", bà Ito cho hay.
Bà Chieko Ito đã sống một mình gần 30 năm qua.
Theo số liệu thông kê đầu năm 2019, trong số những cụ ông cao tuổi sống một mình tại Nhật Bản, chỉ có 15% thường xuyên nói chuyện với một người khoảng hai tuần một lần, trong khi đó khoảng 30% cảm thấy không thể nói chuyện với bất kỳ ai và không có người nào đáng tin cậy để họ có thể nhờ giúp đỡ như là thay bóng đèn.
Theo cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia Nhật Bản, dân số đang già hóa nhanh chóng, có 28% người Nhật ở trên độ tuổi 65, cao nhất thế giới, đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách đặc biệt là sự cô lập xã hội là vấn đề khó giải quyết hơn cả.
Tỷ lệ những người phụ nữ trên 65 tuổi sống một mình đã tăng gấp đôi từ 11,2% năm 1980 lên 20,3% vào năm 2010, trong khi đó, tỷ lệ này ở nam giới là tăng từ 4,3% lên 11,1% so với cùng kỳ. Trước thực trạng những người cao tuổi ở Nhật Bản sống trong cô độc đã gây ra một hiện tượng xã hội có tên là Kodokushi, một bóng đen đang bao trùm lên Nhật Bản mà không thể nào tìm được lối thoát.
Kodokushi hay còn gọi là những cái chết cô đơn, phản ánh thực tế xã hội Nhật Bản, những người già sống cô độc, khi chết đi không một ai hay biết và thi thể của họ chỉ được phát hiện trong một thời gian dài sau đó. Tòa nhà chung cư Tokiwadaira tại Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng vì những cái chết cô đơn của người già sinh sống nơi đây.
Trường hợp đầu tiên của "cái chết cô độc" ở Nhật Bản đó là câu chuyện về thi thể của một người đàn ông 69 tuổi nằm trên sàn nhà suốt ba năm mà không ai hay. Tiền thuê nhà và điện nước được trừ tự động hàng tháng từ tài khoản ngân hàng của ông. Cuối cùng đến năm 2000, khi sổ tiết kiệm của ông không còn đồng nào nữa thì cảnh sát mới đến nhà và phát hiện ra thi thể gần bếp đã bị giòi và bọ đục khoét.
Đối diện với cái chết có lẽ không ai là không sợ hãi, nhưng phải trải qua cái chết một mình và cô đơn thì còn đáng sợ hơn nữa. Thêm hai cái chết cô đơn đã được phát hiện tại chung cư Tokiwadaira trong vào mùa hè năm 2017. Khi phát hiện ra mùi hôi khó chịu ở khu vực xung quanh một căn hộ thì người ta mới biết có người đàn ông đã qua đời. Không ai trong chung cư quen biết ông dù ông đã sống nhiều năm tại tòa nhà này.
Hai ngày sau, thêm một thi thể khác được phát hiện. Mùi hôi nồng của thi thể phân hủy trở nên hăng đến mức hàng xóm của ông không ngủ được suốt 3 đêm. Người đàn ông này cũng đã sống tại chung cư trong nhiều năm, nói chuyện với hàng xóm về các loại hoa anh đào, nhưng họ cũng không biết tên ông.
Số liệu thống kê về những cái chết cô đơn tại Nhật Bản rất khó có thể đưa ra một cách chính xác nhưng theo Viện nghiên cứu NLI, một nhóm chuyên gia cố vấn ở Tokyo, ước tính rằng khoảng 30.000 người trên khắp Nhật Bản đã qua đời theo cách này mỗi năm.
Ông Yoshikazu Kinoshita có mặt trong một bữa ăn trưa hàng tháng dành cho những người thuê nhà đang sống một mình.
Số người chết cô đơn tăng lên khiến cho ngành dịch vụ làm sạch căn hộ của những người đã khuất vì thế mà cũng phát triển. Thậm chí một số công ty bảo hiểm cũng bắt đầu áp dụng những chính sách bảo vệ chủ nhà nếu như người thuê chết trong khu nhà của họ.
Ông Kinoshita, 83 tuổi, sống một mình trong căn hộ ở Tokiwadaira. Không có người chăm sóc, căn hộ của ông tràn ngập rác với đống quần áo cũ, sách, báo, hộp đựng thức ăn... Vì sức khỏe suy giảm với đôi chân ngày một yếu đi, ông chỉ rời căn hộ của mình một tuần một lần.
Tình trạng này xảy ra hầu hết với các căn hộ của người già độc thân là nam, khiến giá dịch vụ dọn dẹp sau khi họ qua đời cũng cao ngất ngưởng. Song dù thu nhập cao đến mấy thì đó cũng là một công việc không vui vẻ chút nào, chưa nói là còn độc hại.
Một người đàn ông 54 tuổi tên Hiroaki, đã vài tháng nay không trả tiền thuê nhà. Vì thế, đại diện công ty quản lý bất động sản tìm đến căn hộ xem chuyện gì xảy ra. Mở cửa căn hộ, người này phát hiện ông Hiroaki nằm chết trên tấm đệm. Xác chết đã ở đây được khoảng 4 tháng.
Ông Kinoshita, 83 tuổi, sống một mình sống căn hộ tràn ngập rác.
Dù giòi và ruồi bám đầy các ngóc ngách trong căn phòng, mùi hôi thối vẫn không đủ để khiến những người hàng xóm hay cửa hàng tiện lợi ở ngay phía dưới chú ý tới. Sau khi xác chết được đưa đi, công ty quản lý bất động sản đã gọi cho Next. Đội xử lý gồm 4 người do ông Fujita dẫn đầu lập tức có mặt với một chiếc xe tải và mặc đầy đủ đồ bảo hộ, từ chân đến đầu.
Căn hộ rộng hơn 18m2 cho thấy dấu hiệu của một cuộc sống cô đơn: Mỳ ăn liền, nước uống có gas, cà phê, đầu mẩu thuốc lá trong gạt tàn đã lâu chưa đổ, vài cây nến, báo cũ, quần áo chất thành từng chồng lớn. Nhà vệ sinh trong căn hộ, từ tường, bồn rửa mặt đến toilet đều phủ kín rêu mốc đen kịt. Những vết bẩn không rõ là gì bám đầy trên các cánh cửa, bồn rửa bát, buộc đội xử lý phải dùng dung dịch tẩy rửa công nghiệp để làm sạch tận gốc.
Thứ đầu tiên họ di chuyển ra khỏi căn hộ là tấm đệm nơi ông Hiroaki nằm chết. Họ bỏ nó vào một túi nhựa, hút chân không rồi đưa lên xe tải. Giấy tờ cho thấy ông Hiroaki 54 tuổi và đã ly dị. Người ta tìm thấy vài album ảnh nhưng không cái nào lưu giữ hình của ông Hiroaki. Đội dọn dẹp không rõ vì sao ông Hiroaki lại qua đời khi mới chỉ ngoài 50 như vậy.
Sau khi bỏ đi tất cả đồ đạc của người đã khuất, xé hết giấy dán tường, kiểm tra sàn nhà, cọ rửa và lau chùi mọi ngóc ngách, ông Fujita và đội ngũ của mình đặt một chiếc máy khử mùi trong phòng, để nó hoạt động trong khoảng vài ngày. Họ kết thúc công việc của mình và lặng lẽ rời đi. Không ai tổ chức đám tang cho những cụ già cô độc sau khi họ qua đời. Các tổ chức từ thiện sẽ xử lý hài cốt của họ.
Nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn đến mức gần như khủng hoảng trong xã hội Nhật Bản được cho là xuất phát một phần từ nền văn hóa. Là một quốc gia mang tính cộng đồng cao, mỗi cá thể phải đặt mình vào lợi ích chung của tập thể. Điều này mang đến áp lực nặng nề cho giới trẻ khi sự nghiệp, thành tựu được xem là một tiêu chuẩn để đánh giá và họ phải liên tục nỗ lực để đạt được, cống hiến hết mình cho xã hội. Đổi lại là sự cô đơn của chính họ khi về già và bản thân bố mẹ của họ cũng không muốn cản trở con đường phát triển của con cái mình. Họ chấp nhận sống trong cô độc.
Đặc biệt hơn hết văn hóa Nhật Bản đề cao tính tự lập. Trẻ em từ bé được dạy dỗ để tự lo cho bản thân từ những chuyện nhỏ nhất, phải kiềm chế cảm xúc và cách cư xử của mình. Điều này khiến cho người Nhật cảm giác không thoải mái và xấu hổ khi phải thừa nhận mình đau buồn và cần đến sự giúp đỡ của người khác. Xu hướng né tránh những khía cạnh yếu đuối của con người đã khiến Nhật Bản phải trả một cái giá vô cùng đắt - sức khỏe tinh thần của một dân tộc.
Bà Chieko cố gắng kiếm việc gì đó làm để không nghĩ đến câu chuyện và những cái chết cô đơn. Bà đi bộ hàng ngày, dành một giờ đồng hồ vào buổi tối để chép kinh Phật, đồng thời tham gia thu dọn khu rừng gần đó với nhóm tình nguyện địa phương. Hàng tháng bà cũng tham gia vào một bữa ăn chung do khu dân cư tổ chức để giảm nguy cơ chết cô đơn.
"Những người khác đều đã ra đi. Tôi đã sống quá đủ, nhưng vẫn thấy sợ khi nghĩ đến cái chết", bà nói.
Nguồn: Tổng hợp