Có những gia đình năm chi hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để mua các loại trái cây nhập khẩu cao cấp vừa ăn, vừa đem biếu tặng, nhưng đến Tết Nguyên đán mâm ngũ quả nhất định phải chọn trái cây của Việt để thờ.
Ngày sát Tết, ngồi chờ nhân viên đóng xong những hộp trái cây cuối cùng giao cho khách rồi chốt sổ, dọn dẹp cửa hàng để nghỉ Tết, chị Chu Thị Huyền - chủ một hệ thống cửa hàng trái cây cao cấp có chi nhánh tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) - cho biết, cửa hàng chị chuyên dòng trái cây cao cấp của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, đến mùa cherry thì nhập thêm hàng Mỹ và Úc, táo envy cũng vậy. Mùa Tết Nguyên đán, khách đặt mua tương đối nhiều nên doanh thu ước khoảng gần 100 tỷ đồng.
“Nghe con số thì rất khủng. Thực ra, lượng bán sỉ và bán lẻ của cửa hàng cũng lớn, nhưng chủ yếu là do trái cây nhập khẩu là hàng cao cấp, có giá rất đắt đỏ. Ví như, nho mẫu đơn Nhật giá tới 5-7 triệu đồng/chùm, táo Nhật cũng 1,3-1,5 triệu đồng/kg, còn dâu quạt Nhật giá 2 triệu đồng một vỉ chỉ 6 quả... ”, chị nói.
Cũng vì có giá cao ngất ngưởng nên hàng này nhập về đa phần nhập về phục vụ giới nhà giàu. Chị Huyền tiết lộ, có đến 80% lượng khách đặt trái cây tại hệ thống cửa hàng của chị là khách quen, tuần nào cũng đặt mua.
Giới nhà giàu mỗi năm chi một khoản tiền lớn để mua trái cây nhập khẩu cao cấp về ăn và biếu tặng |
Theo đó, có gia đình mỗi năm bỏ ra vài chục triệu hay hàng trăm triệu mua trái cây ngoại, thậm chí có những gia đình còn chi tới hàng tỷ đồng. Dịp Tết này, họ cũng chi một khoản tiền lớn để mua trái cây nhập khẩu cao cấp. Tuy nhiên, số lượng trái cây này chỉ để ăn, đem biếu tặng chứ không phải mua thờ Tết.
“Nhiều người sẽ thắc mắc vì sao quanh năm giới nhà giàu Việt ăn trái cây ngoại với giá vô cùng đắt đỏ nhưng Tết mâm ngũ quả lại nhất quyết chọn các loại trái cây Việt để thờ”, chị Huyền nói.
Chị giải thích, hầu hết các loại trái cây nhập khẩu, đặc biệt là hàng cao cấp, khi nhập về Việt Nam đều phải bảo quản lạnh hay các hoá chất được phép khác để tránh thối hỏng. Khách mua ăn cũng được nhân viên cửa hàng nhắc nhớ bỏ vào ngăn mát tủ lạnh trước khi ăn sẽ ngon hơn, bởi để ở ngoài lâu quả sẽ chín quá ăn không chuẩn vị và rất dễ hỏng.
Trong khi, mâm ngũ quả thờ Tết lại để khá nhiều ngày. Các gia đình thường bày trên ban thờ khoảng một tuần, ít nhất cũng 3-4 ngày cho tới khi hóa vàng. Nếu chọn trái cây ngoại bày mâm ngũ quả sẽ bị thối hỏng hết, đặc biệt nếu thời tiết ấm, nồm ẩm. Còn các loại trái cây của Việt Nam như chuối, bưởi, dưa hấu, cam, thanh long... trong điều kiện thường để được rất lâu, không cần lo lắng.
Đây là lý do chính mà các loại trái cây nhập khẩu dù có mẫu mã đẹp, bắt mắt nhưng vẫn không được chọn mua thờ Tết, chị Huyền nói.
Anh Bùi Trọng Lâm - chủ cửa hàng trái cây nhập khẩu ở Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận, nhà giàu Việt chi rất nhiều tiền để mua trái cây ngoại ăn và tặng. Như hôm qua, anh giao toàn đơn nho mẫu đơn khủng cho khách. Có những người đặt 20-30 triệu đồng, có những người đặt tới đặt cả trăm triệu đồng mua loại trái cây này. Dâu tây, quýt Nhật, táo,... cũng được mọi người ồ ạt đặt mua.
Trái cây Việt được ưu chuộng để bày mâm ngũ quả thờ Tết Tân Sửu |
Song, trái cây để bày bàn thờ Tết lại chỉ chọn toàn quả Việt. Theo anh, chọn hoa quả nội thường là hàng tươi mới, dễ bảo quản, ít bị thối hỏng. Ngoài ra, trái cây nội thờ Tết mang nhiều ý nghĩa, như năm mới sẽ gặp may mắn, sung túc, nhiều tài lộc. Đặc biệt, nhiều gia đình chọn đồ thờ cúng luôn chọn làm theo cách truyền thống nhất.
“Tết này, tôi sắp mâm ngũ quả toàn trái cây Việt. Kết quả rất bất ngờ, số lượng khách đặt lên tới hơn 400 mâm, nhân viên đang chạy hết công suất để kịp giao cho khách trước 30 Tết”, anh cho hay. Mâm ngũ quả này gồm bưởi, chuối - hai loại trái cây không thể thiếu, ngoài ra khách có thể chọn 3 quả trong danh sách các loại quả nội có bán tại cửa hàng như: xoài cát, thanh long vàng hoặc đỏ, phật thủ, dưa các loại, vú sữa,...
Giá tiền tuỳ thuộc vào khách chọn quả. Như mâm ngũ quả bình thường chỉ hết gần 1 triệu đồng, còn có những mâm ngũ quả lớn giá 2-3 triệu đồng.
“Tối hôm qua, tôi về thêm nửa tấn thanh long vàng ruộm, được nhà vườn ở miền Tây trồng. Thế mà rao bán chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ khách đặt mua hết sạch", anh chia sẻ.
Chị Đào Tuyết Mai ở ngõ 188 Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) sau khi chọn mua tới 10 giỏ trái cây nhập khẩu với giá trị gần 50 triệu đồng để làm quà biếu bạn bè và người thân, nay chị lại ra chợ gần nhà mua trái cây về bày mâm ngũ quả thờ Tết.
“Cách đây 2 năm, trên mâm ngũ quả thờ Tết của nhà tôi, ngoài chuối và bưởi thì toàn trái cây ngoại. Bởi tôi nghĩ ngày thường ăn thấy ngon thì mua về thờ. Ai ngờ, bày đến ngày thứ 3 thì thối hỏng hết, riêng táo lại chín bở. Sau lần đó tôi rút kinh nghiệm, hàng nhập bảo quản lạnh thì chỉ để mua ăn là hợp lý và chọn trái cây Việt thờ Tết”, chị kể.
Các bà nội trợ tâm sự, đồ hư hỏng không tiếc nhưng mân thờ ngày Tết dâng ông bà mà chưa đến ngày 'hạ nêu' đã thối hỏng thì áy náy lắm. Cho nên tuyệt đối kiêng, không sắp mâm cúng ông bà đồ ngoại ủ lạnh bao giờ.
Trái cây Việt Nam mang rất nhiều ý nghĩa, như đu đủ mang ý nghĩa no đủ, dưa mang ý nghĩa dư thừa, cam mang ý nghĩa may mắn, phật thu mong muốn được che chở đem lại bình an... cho năm mới. Chưa kể, khi thu hái người dân cũng tính toán được độ chín bao nhiêu phần trăm để thờ Tết xong trái chín đúng độ có thể hạ xuống ăn mà không lo hỏng như trái cây ngoại.
Xách trên tay 2 nải chuối loại 15 quả/nải, 1 quả bưởi, 2 quả thanh long, 3 quả cam, 2 quả đu đủ vàng, chị Mai khoe, mâm ngũ quả đủ các loại màu xanh, đỏ, vàng, cam, về bày lên ban thờ vừa đẹp, giá lại chưa đến 1 triệu đồng, trong khi hàng ngoại mà mua số lượng đó thì tốn vài triệu.
Châu Giang