Theo báo cáo của Pyn Elite Fund – một trong những quỹ ngoại lớn nhất trên TTCK Việt Nam với danh mục tại ngày 15/1/2018 đạt 375 triệu Eur (hơn 9.900 tỷ đồng), trong top 12 khoản đầu tư của quỹ đã có sự xuất hiện của TCT Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM (VEA).
Theo đó, VEA chiếm tỷ trọng 2,2% danh mục Pyn Elite Fund (8,25 triệu Eur ~ 218 tỷ đồng) và là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn thứ 12. VEA cũng là cổ phiếu duy nhất trên Upcom lọt vào top 12 khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund.
VEA lọt top những khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund
Trước khi lọt vào top danh mục của Pyn Elite Fund, VEA cũng là một trong mười khoản đầu tư lớn nhất của VEIL – quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý. Số liệu cuối năm 2018 cho biết, giá trị đầu tư của VEIL Dragon Capital vào VEA khoảng 40 triệu USD (900 tỷ đồng).
Kể từ khi lên sàn Upcom từ đầu tháng 7/2018 tới nay, cổ phiếu VEA liên tục được khối ngoại mua vào. Tính tới hết phiên 26/1/2019, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại VEA vào khoảng 5,5% (khoảng 73 triệu cổ phiếu). Với sự hỗ trợ đắc lực từ khối ngoại, cổ phiếu VEA đã tăng mạnh từ giá chào sàn 27.600 đồng và hiện lên gần 45.000 đồng. Trong tháng 8/2018, VEA cũng đã trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3,7%.
Diễn biến cổ phiếu VEA từ khi lên sàn tới nay
VEA hiện có 2 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần là Bộ Công thương (88,47%) và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hòa An (6%).
Là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy và sản xuất, lắp ráp xe tải với thương hiệu VEAM Motor nhưng mảng kinh doanh này thường xuyên thua lỗ. Tài sản giá trị nhất của VEAM lại là phần vốn góp liên doanh tại 3 hãng xe hàng đầu Việt Nam là Honda (VEAM nắm giữ 30%), Toyota (20%) và Ford (25%). Theo VAMA, trong năm 2017, 3 công ty trên nắm 40% thị phần ô tô và trên 70% thị phần xe máy tại Việt Nam.
Đều đặn mỗi năm, các công ty liên doanh liên kết mang về cho VEAM khoảng hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Cụ thể trong năm 2017, lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết (chủ yếu từ Honda, Toyota, Ford) là 5.170 tỷ đồng.
Lợi nhuận VEAM chủ yếu đến từ các liên doanh với Honda, Toyota và Ford
Bên cạnh 3 công ty liên doanh lớn này, VEAM còn có 10 công ty liên doanh, công ty con chuyên về phụ tùng, trong đó có 4 công ty chuyên về sản xuất sản phẩm cơ khí cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất xe máy như Honda, Yamaha và Piaggio.
Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu VEA đạt 4.682 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm; Lợi nhuận sau thuế đạt 4.876 tỷ đồng, tăng 35% và cơ bản hoàn thành kế hoạch năm, trong đó lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết lên tới 4.762 tỷ đồng.