Nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới do các NHTW mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát. Đó là nhận định vừa được chuyên gia kinh tế trưởng Rob Subbaraman của công ty môi giới Nomura đưa ra.
"Hiện nay nhiều NHTW đang nâng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Độ tín nhiệm của chính sách tiền tệ là 1 tài sản quá quý giá mà các NHTW không thể đánh mất, vì thế họ đang hành động rất mạnh mẽ", ông nói.
"Điều đó có nghĩa là tốc độ tăng lãi suất phải đi trước tốc độ tăng giá cả. Từ nhiều tháng nay chúng tôi đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái và hiện nay nhiều nền kinh tế phát triển đã rơi vào suy thoái".
Nomura dự báo kinh tế Mỹ sẽ trải qua một đợt suy thoái nhẹ nhưng kéo dài tới 5 quý, bắt đầu từ quý IV/2022.
Ngoài Mỹ, Nomura dự báo các nền kinh tế thuộc khu vực Eurozone, Nga, Nhật Bản, Australia và Canada sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Theo Subbaraman, các NHTW trên khắp thế giới đã duy trì "chính sách tiền tệ siêu lỏng" trong thời gian quá dài với hi vọng lạm phát chỉ là tạm thời và sẽ sớm biến mất. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy và giờ họ đang phải cố gắng lấy lại quyền kiểm soát lạm phát.
Tháng trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản và Chủ tịch Jerome Powell dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng them 50 – 75 điểm cơ bản trong tháng 7.
Nomura dự báo trong cuộc họp tiếp theo lãi suất sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản. Sau đó là một loạt đợt tăng 25 điểm cơ bản và đến tháng 2 năm sau lãi suất liên bang sẽ ở mức 3,75%.
"Một điểm đáng chú ý khác là khi bạn có quá nhiều nền kinh tế suy yếu, sẽ không thể dựa vào hoạt động xuất khẩu để tạo ra tăng trưởng. Đây là 1 lý do khác giải thích vì sao nguy cơ suy thoái là rất lớn", Subbaraman nói.
Trong báo cáo này Nomura liệt kê một số nền kinh tế "cỡ vừa" (gồm Australia, Canada và Hàn Quốc) có nguy cơ suy thoái sâu hơn dự báo vì bong bóng nhà đất. Nếu như các đợt tăng lãi suất khiến bong bóng bất động sản vỡ tung và dẫn đến tình trạng giảm nợ (deleveraging), tình hình sẽ trở nên rất tồi tệ.
Trường hợp ngoại lệ là Trung Quốc, nước đang hồi phục sau giai đoạn kinh tế giảm tốc nhờ nền kinh tế được mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa chống dịch bệnh. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu như áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh Bắc Kinh kiên quyết theo đuổi chính sách "không Covid".
Subbaraman cảnh báo nếu như các NHTW không thắt chặt chính sách tiền tệ để kìm hãm lạm phát ngay lập tức, nguy cơ lạm phát tăng vọt và nền kinh tế bị mắc kẹt sẽ tăng lên đáng kể.
"Hành động trước để "chặn đầu" lạm phát sẽ tốt hơn cho cả nền kinh tế và xã hội thay vì để cho lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát như những năm 1970".
Tham khảo CNBC