Cuộc chiến giữa Ukraine - Nga khiến thế giới chao đảo, giá hàng hóa tăng mạnh và toàn cầu đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, khủng hoảng cũng là cơ hội và nhiều đại gia Việt ngược chiều bứt phá.
Cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn của nữ hoàng thủy sản miền Tây Trương Thị Lệ Khanh gần đây ghi nhận thanh khoản tăng mạnh, với hàng triệu cổ phần được chuyển nhượng mỗi phiên. Giá cổ phiếu tăng trở lại sau khi bứt phá khoảng 30% kể từ đầu năm, từ mức 60.000 đồng/cp lên ngưỡng 75.000-80.000 đồng/cp.
Hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn ghi nhận sự tăng trưởng khá mạnh.
Doanh thu xuất khẩu trong tháng 1 tăng 23% lên gần 800 tỷ đồng và triển vọng cho năm 2022 gần đây thêm tươi sáng với khả năng xuất khẩu cá tra tăng lên khi mà thế giới thiếu hụt cá phi lê của Nga trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine - Nga diễn ra khó lường.
Ngành thủy sản của Nga gặp nhiều khó khăn khi phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Theo VDSC, nhiều doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam có thể bù đắp vào sự thiếu hụt sản phẩm cá trên thị trường khi mà Nga giảm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sự hồi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch cũng giúp nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản tăng trở lại, đặc biệt là từ Mỹ, EU và Trung Quốc. Thị trường Mỹ tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2022 nhờ các gói kích thích kinh tế của nước này. Tại châu Âu, thị trường này cũng khả quan đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhờ việc giảm thuế của hiệp định EVFTA.
Bà Trương Lệ Khanh. |
Việc giá cá tra tăng mạnh trong thời gian gần đây, lên mức 30.000 đồng/cp, cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua cũng là yếu tố giúp cổ phiếu VHC ở vùng đỉnh cao lịch sử.
Theo Agriseco, giá cá tra có thể tiếp tục tăng kéo dài trong năm nay khi nhu cầu thế giới gia tăng. Các doanh nghiệp thủy sản còn được hưởng lợi nhờ chi phí giảm liên quan tới việc phòng chống dịch, cước vận tải.
VNDirect nhận định, nhu cầu thủy sản của thị trường Mỹ, Trung Quốc và EU được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại. Các doanh nghiệp thủy sản sẽ chứng kiến doanh thu xuất khẩu tăng. Doanh thu và lợi nhuận ròng 2022 của Vĩnh Hoàn dự báo sẽ tăng lần lượt 26% và 27% so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán có thể được hưởng lợi từ nhu cầu thế giới gia tăng như: VHC, Nam Việt (ANV), Công ty I.D.I (IDI)…
Doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác cũng được dự báo hưởng lợi từ quá trình mở cửa nền kinh tế của Việt Nam và thế giới hậu đại dịch như hàng không VietJet (VJC), vận tải biển Vinaship (VNA), Vận tải biển Việt Nam (VOS), Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), Gemadept (GMD), CTCP Container Việt Nam (VSC)... Gần đây, các cổ phiếu này đều tăng mạnh.
Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang khiến cước vận tải biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Rủi ro còn tiềm ẩn
Theo VDSC, với sự hỗ trợ của một số cổ phiếu lớn tại hỗ trợ 1.470 điểm của VN-Index và vùng vùng 1.490 điểm của VN30-Index, đà giảm của thị trường đã tạm thời được hãm lại trong phiên 9/3. Thanh khoản Vn-Index vẫn duy trì trên trung bình 20 phiên, cho thấy dòng tiền vẫn đang luân chuyển và chưa rời bỏ thị trường.
Tuy nhiên, theo VDSC, dòng tiền bắt đáy vẫn chưa thật sự mạnh mẽ, thể hiện qua thanh khoản chưa thật sự nổi trội so với các phiên giảm điểm gần đây. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục nhịp hồi phục nhẹ để kiểm tra lại cung cầu, tuy nhiên VDSC cho rằng đây chỉ là nhịp hồi kỹ thuật, rủi ro và áp lực bán vẫn đang tiềm ẩn.
Trong khi đó, theo YSVN, VN-Index có thể sẽ hồi phục và kiểm định lại ngưỡng 1.490 điểm. Đồng thời, độ rộng thị trường có dấu hiệu tích cực trở lại cho thấy dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi thị trường và liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn ở mức thấp cho thấy dòng tiền vẫn đang phân hóa và chủ yếu tập trung ở hai nhóm cổ phiếu này.
Chốt phiên giao dịch 9/3, chỉ số VN-Index tăng 0,03 điểm lên 1.473,74 điểm. HNX-Index giảm 1,29 điểm xuống 444,46 điểm. Upcom-Index tăng 0,76 điểm lên 113,37 điểm. Thanh khoản đạt 36,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có 30,5 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
V. Hà