Đặc biệt, từ khi sản phẩm bồn bồn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể cho vùng đất tận cùng Tổ quốc, loài cây này càng giúp người trồng có thu nhập cao.
Gia đình bà Nguyễn Thị Năm (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) có gần 1ha đất trồng bồn bồn. Mỗi ngày gia đình bà thu hoạch khoảng 10 - 15 kg cây bồn bồn tươi và bán giá dao động khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, bà Năm còn làm dưa bồn bồn bày bán cho người dân đi lại trên quốc lộ 1A. Mỗi keo dưa bồn bồn nặng 0,5 kg, có giá 30.000 đồng. Từ đó, mỗi tháng gia đình bà có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng.
Diện tích trồng bồn bồn của tỉnh Cà Mau tập trung tại huyện Cái Nước.
“Cũng mau, nhổ bán rồi qua tháng quay lại nhổ nữa. Trồng rồi tự nó lớn. Bán trên đường lộ, dân thành phố người ta xuống mua lần mấy trăm ngàn đồng luôn. Có ngày làm mấy chục kg nhưng bán không đủ, thấy ham lắm” - bà Năm nói.Theo bà Năm, trong cả năm, mùa thu hoạch bồn bồn chỉ đứt đoạn khoảng 2 – 3 tháng cuối mùa khô, do thiếu nước cây bị già cỗi. Khi có mưa xuống, loại cây này sẽ tự tái sinh. Còn để nhanh được thu hoạch, bà con có thể bứng ra trồng và rãi thêm phân. Nhờ sức sống của cây bồn bồn mãnh liệt, sinh sôi nhanh nên rất ít tốn công chăm sóc.
Diện tích trồng bồn bồn của tỉnh Cà Mau hiện tập trung nhiều tại huyện Cái Nước. Trước đây, vùng đất ven theo Quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Cái Nước được quy hoạch nuôi tôm. Từ khi quốc lộ hoàn thành, đã ngăn nước mặn xâm nhập vào diện tích đất của bà con. Việc nuôi tôm không còn thuận lợi, cây lúa thì lại khó phát triển tốt trên vùng đất đã nhiễm mặn nên người dân nơi đây đã chọn cây bồn bồn là hướng đi mới.
Bà Lê Thị Lệ (ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) cho biết, ngày trước, cây bồn bồn vốn chỉ là thực phẩm được dùng trong bữa cơm gia đình của người dân. Khi có đường lộ đi qua, bà con tận dụng mang ra bán cho khách qua đường. Nhờ là sản phẩm sạch, ít dùng phân, đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên được ưa chuộng và cây bồn bồn dần trở thành cây kinh tế của người dân. So với các mô hình gia đình bà từng làm thì trồng bồn bồn cho thu nhập gấp 2 - 3 lần trồng lúa; so với nuôi tôm quảng canh cũng ổn định hơn và cho thu nhập cao hơn.
“Thu vô rồi mình chẻ ra. Tuần trước lấy 40 kg, sáng này lấy 50 kg. Nhà hàng điện lấy hàng là mình gửi xe đi” - bà Lê Thị Lệ chia sẻ.
Thời gian gần đây, sản phẩm bồn bồn ngày càng có giá trị. |
Vào năm 2017, Cục Sở hữu Trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu tập thể "Sản phẩm bồn bồn Cái Nước – Cà Mau" cho người dân vùng đất cuối trời. Thương hiệu sản phẩm ẩm thực bồn bồn được khẳng định và phổ biến rộng rãi. Từ đó, nhu cầu tiêu thụ loại cây này cũng tăng lên. Người dân vùng “thủ phủ” trồng bồn bồn huyện Cái Nước có điều kiện nhân rộng. Từ diện tích tự phát ban đầu chỉ vài chục ha, hiện trên địa bàn huyện đã có hơn 160 ha chuyên canh bồn bồn.
Ông Trần Hoàng Đạo, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, nơi có diện tích trồng bồn bồn lớn nhất huyện Cái Nước cho biết: “Mô hình rất hiệu quả. Bà con đang thực hiện trồng bồn bồn với khôi phục nuôi cá đồng, kết hợp trồng cây ăn trái. Mỗi ha cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện, đang triển khai dự án trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá. Bà con cũng đang mở rộng diện tích, cây bồn bồn rất có hiệu quả.”
Theo hướng đa cây, đa con, ngoài thực hiện trồng bồn bồn, chính quyền địa phương còn đang khuyến khích người dân kết hợp trồng thêm cây ăn trái trên bờ bao và nuôi thêm cá đồng để tăng thu nhập. Hiện nay, huyện Cái Nước cũng đang triển khai Đề án nâng cao năng suất, hiệu quả cây bồn bồn. Đề án hứa hẹn sẽ giúp người dân trồng bồn bồn trên địa bàn phát triển bền vững hơn.