Thời gian gần qua, sự việc nông sản Trung Quốc nhái hàng Đà Lạt đang gây xôn xao dư luận. Theo các chủ vựa lớn ở tỉnh Lâm Đồng, phải đến tháng 10 tới, các nhà vườn mới bắt đầu thu hoạch cà rốt, khoai tây, hành tây. Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn hàng mang danh nông sản Đà Lạt chuyển về Sài Gòn và các tỉnh khác để tiêu thụ.
Sự "biến hình" từ hàng Trung Quốc thành hàng Đà Lạt càng khiến cho nông sản Đà Lạt chính gốc trở nên khốn đốn ngay trên sân nhà.
Những nông sản như khoai tây, cà rốt, hành tây Đà Lạt nhiều năm qua luôn phải chịu cảnh bị "đày ải" trong kho của nông dân. Thương lái không thể thu mua với giá cao để đưa về các chợ đầu mối do hàng Trung Quốc có giá siêu rẻ, không thể cạnh tranh.
Nông dân đổ bỏ củ dền vì giá mua quá rẻ.
Nhiều lúc, khi đến mùa thu hoạch nông sản, nông dân Đà Lạt phải bỏ úng. Ngoài khoai tây còn cải thảo, cải cúc (tần ô), bắp sú, xà lách xoăn… bị đổ bỏ, có khi "bỏ mặc" trên ruộng vì không ai mua hoặc giá quá thấp.
Theo ghi nhận, giá hàng Trung Quốc luôn rẻ hơn một nửa, thậm chí rẻ hơn nhiều lần so với nông sản Đà Lạt. Các thương lái đua nhau nhập hàng về "phù phép" thương hiệu để có lãi cao hơn. Theo đó, hàng Trung Quốc nhập về sẽ được cho vào máy đánh vỏ để đánh bật đi lớp đất đen. Người dân trộn đất đỏ Đà Lạt lên và sau đó đưa đi các tỉnh với cái tên "Khoai tây Đà Lạt".
Một vườn rau của nông dân bỏ lâu ngày cỏ mọc vì không ai thu mua.
Những năm trở lại đây, nhiều nông dân trồng cải thảo, bắp sú trên địa bàn thua lỗ nặng vì giá cả rớt thê thảm. Đến ngày thu hoạch, các gia đình phải bấm bụng nhổ bỏ để trồng cây khác do vốn thu không bằng vốn chi. Theo tính toán của các nông dân, chi phí đầu tư cho mỗi bắp cải hết 2.500 đồng nhưng đến khi thu hoạch chỉ bán được 1.000 – 2.000 đồng/bắp. Người nông dân lỗ nặng.
Ông Mai Văn Hùng (phường 7, TP Đà Lạt) than thở: "Mỗi khi thu hoạch mà nghe hàng Trung Quốc về nhiều là gia đình tôi biết chắc sẽ lỗ hoặc phải đóng bao bỏ kho chờ người tới mua. Mùa này qua mùa khác cứ như vậy chúng tôi không thể nào sống nổi vì bao nhiêu tiền của, công sức bỏ vào rồi nằm đấy, không lấy được một đồng".
Những ngày này, hành tây đã đến ngày thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua. Nông dân vẫn phải bấm bụng thuê người thu hoạch.
Theo chị Lệ Thị Ngọc Sương, nông dân trồng khoai tây xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, để trồng khoai tây phải mất 3 tháng trời. "Biết bao công sức bỏ ra cuối cùng không bán được đồng nào. Nhiều lúc khóc hết nước mắt" - chị Sương ngậm ngùi.
Trong khi đó, các thương lái làm ăn chân chính cũng "chết lên chết xuống" vì hàng Trung Quốc mạo danh hàng Đà Lạt. "Khi nông dân trồng được 1 tháng thì mình đến mua hết vườn rồi chờ đến ngày thu hoạch. Thu mua một lúc đồng giá. Đến lúc đó, hàng Trung Quốc mà về là mình lỗ nặng ngay, vì hàng Trung Quốc lúc nào cũng rẻ. Nó mà giả mạo hàng Đà Lạt nữa thì hàng Đà Lạt thật của mình chỉ biết ngồi khóc chứ không bán được cho ai nữa cả", anh Nguyễn Trung (một thương lái) chia sẻ.
Một vườn cải thảo đến mùa thu hoạch nhưng vẫn chưa ai đến thu mua.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện rất khó xử lý tình trạng thương lái trộn đất giả mạo nông sản Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt. Theo ông Sơn, hành động này không cấu thành hành vi tội phạm bởi không có luật cấm, trừ khi phát hiện các mặt hàng nhập không rõ nguồn gốc và kiểm tra vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới tịch thu và xử phạt hành chính.
"Hiện tại, chủ yếu dựa vào sự tỉnh táo của người tiêu dùng, chứ không thể cấm nông sản Trung Quốc nhập vào chợ được. Mà xử phạt hành chính các chủ vựa khi phát hiện sai phạm thì cũng chưa đủ răn đe so với lợi nhuận mang lại. Trước mắt, Sở thành lập chuỗi gắn nhãn mác các mặt hàng Đà Lạt, trong đó trước tiên sẽ gắn nhãn mác cho khoai tây sau đó sẽ tiến hành các bước cho các loại nông sản khác, chứ thực sự là rất khó xử lý" - ông Sơn nói.
Để bảo vệ thương hiệu khoai tây Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập đề án thí điểm nhận diện sản phẩm. Qua đề án này, sẽ tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm khoai tây Đà Lạt hàng trăm ngàn bao bì, được sản xuất theo mẫu mã riêng, có tem chống hàng giả cho các túi, thùng đóng gói sản phẩm.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng - đơn vị trực tiếp triển khai đề án này, cho biết tổng kinh phí để thực hiện là hơn 1 tỉ đồng, trong đó trên 70% số tiền được trích từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng từ đề án. Dự kiến trong tháng 9-2018 sẽ tiến hành ghi nhãn các bao bì với khoai tây trong vụ hè thu này.
Những bắp cải thảo già và héo lá vì nằm lại vườn quá lâu.
Trong khi đó, ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thường xuyên tuần tra kiểm soát, phối hợp với Sở Công Thương TP HCM và mời một số chợ đầu mối TP HCM lên làm việc tại TP Đà Lạt để có một số giải pháp nhằm kết nối các hợp tác xã cũng như các chợ đầu mối.
Tới đây các bên sẽ áp dụng mô hình nhận diện những điểm bán hàng nông sản Đà Lạt tại chợ đầu mối các tỉnh để tránh việc mua nhầm hàng Trung Quốc giả hàng Đà Lạt. "Trước mắt, xây dựng hàng rào kỹ thuật tại Đà Lạt nhằm hạn chế nông sản Trung Quốc chở ngược lên Đà Lạt để làm giả nhãn mác nông sản Đà Lạt", ông Thế nói.