Sáng nay (20/7), kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Tây Ninh tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn là vấn nạn vật tư nông nghiệp, giống, phân bón giả tràn lan gây thiệt hại cho người nông dân và ngành nông nghiệp.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND Tây Ninh quan tâm đến những vấn đề như hiệu quả của nhóm giải pháp hỗ trợ nông dân, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ lãi vay, nông nghiệp công nghệ cao, các vấn đề khác như tưới tiêu, bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, xây dựng công trình xâm phạm các công trình thủy lợi. Riêng vấn nạn vật tư nông nghiệp, giống, phân bón giả có nhiều lượt ý kiến.
“Tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng còn diễn ra khá nhiều như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… nhất là khi giá cả các mặt hàng ngày càng leo thang. Để hạn chế các sản phẩm không chất lượng lưu thông trên thị trường, giúp nông dân yên tâm sản xuất, trách nhiệm của ngành nông nghiệp như thế nào?”, Đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc chất vấn.
Trả lời các ý kiến chất vấn, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, thời gian qua các mô hình, giải pháp hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả. Riêng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nhân lực có trình độ cao và phải có kênh bán hàng hiện đại. Vì vậy, giải pháp đưa ra là, cùng với xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao thì phải có cách liên kết tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đình Xuân cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp như quản lý kinh doanh, buôn bán giống…thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu các mô hình bán giống, hình thành những điểm bán tin cậy để giới thiệu cho nông dân…
Đối với vấn nạn giống giả, phân bón giả, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, khó khăn trong xử lý là các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả có trụ sở ngoài tỉnh nên ngành chức năng chỉ mới có thể xử lý các đại lý trong tỉnh bằng cách phạt nặng, công khai tên đại lý để người dân nắm thông tin. Ngoài ra, ông Xuân cũng đề nghị các địa phương và người dân phối hợp hỗ trợ trong phát hiện để xử lý.
“Nếu bà con mua phân bón cần giữ lại hóa đơn, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ phân bón giả cần gọi điện cho chính quyền địa phương và lấy mẫu miễn phí để kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm chính quyền sẽ yêu cầu xử lý và thậm chí là yêu cầu bồi thường nếu chứng mình được hậu quả gây cho người dân”, ông Xuân nhấn mạnh.
Sau phần trả lời của ông Xuân, các đại biểu tiếp tục dành nhiều câu hỏi chất vấn về việc hỗ trợ cho người nông dân bởi, hậu quả của mua phải vật tư nông nghiệp giả, cây giống không đúng chất lượng có thể phải rất lâu dài mới thấy. Ví dụ người nông dân dồn hết vốn liếng trồng cây lâu năm nhưng nếu gặp phải “hàng giả” thì hậu quả khôn lường và cũng không thể chứng minh được để bắt cơ sở bán sản phầm đền bù…
“Giám đốc Sở có nói khi người nông dân chứng minh được việc mua phải vật tư giả sẽ yêu cầu cơ sở đó bồi thường. Nhưng trường hợp không chứng minh được thì sao mà rất nhiều trường hợp không chứng minh được? Tôi ví dụ trường hợp người dân mua phải cây giống giả nhưng qua nhiều năm vẫn không thể chứng minh được, người nông dân phải gánh chịu”, Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng đặt vấn đề.
Trả lời nội dung chất vấn, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, nếu mua phải vật tư kém chất lượng, người dân được quyền ưu cầu bồi thường nhưng thẩm quyền thuộc về tòa án.
“Đây là vấn đề phức tạp và chắc chắn người bị thiệt hại phải chứng minh mình có thiệt hại, từ việc mua hàng phải có hóa đơn chứng từ, phải giữ lại bao bì nhãn mác và phải có thủ tục là khởi kiện ra tòa. Ngành nông nghiệp chỉ có thể hòa giải hoặc xử phạt doanh nghiệp và không có thẩm quyền bồi thường”, ông Xuân nêu rõ.
Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục làm việc và bế mạc vào cuối ngày 20/7./.