“Cứu cánh” của nông dân
Với hơn 43% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua, các địa phương ở huyện Nam Đông đã tập huấn công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó, vốn tín dụng ưu đãi đã giúp nhiều hộ nông dân tiếp cận với các mô hình mới, phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống và góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Nam Đông, gia đình ông Hồ Sỹ Thi đã phát triển trang trại, trồng rừng cho thu nhập ổn định. Ảnh: Hà Nguyên
"Năm 2017, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo của địa phương. Buổi đầu còn khó khăn, chỉ vài năm là có thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi và trồng rừng, đến nay gia đình tôi đã trả được gần hết số nợ vay ngân hàng”. Chị Ra Rương Mây |
Đến thăm mô hình trồng rừng, cao su và chăn nuôi bò của gia đình Hồ Sỹ Thi (thôn Ta Rung, xã Hương Sơn), nhìn “cơ ngơi” trang trại của ông Thi không ai tin nó được dựng lên từ đôi tay của một nông dân từng thuộc diện hộ nghèo của xã.
Thuộc diện hộ nghèo, được chính quyền xã tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó thông qua các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Đông, gia đình ông Thi đã vay 50 triệu đồng để mua giống cây cao su, cây keo và chăn nuôi bò.
Sau nhiều năm miệt mài cải tạo đất, hiện tại, gia đình ông sở hữu hơn 5ha rừng keo tràm, 4ha rừng cao su tiểu điền và mở trang trại kết hợp chăn nuôi bò vỗ béo dưới tán rừng. Có thu nhập ổn định, ông Thi mở rộng đầu tư, cải tạo vườn tạp và nhận nhiều giống cây ăn quả mới của địa phương hỗ trợ như bưởi da xanh, ổi, cam… Hiện trang trại của ông Thi cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm, là mô hình cho nhiều nông dân địa phương học hỏi.
Gia đình chị Ta Rương Mây (thôn Pa Noong, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) nhiều năm trước cũng thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2015, được sự hỗ trợ của địa phương và Ngân hàng CSXH huyện Nam Đông, chị Mây được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay đồng bào đân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.
Từ nguồn vốn vay ban đầu phát triển sản xuất và tích cóp của gia đình, chị Mây đã đầu tư 5 con trâu và trồng 1ha cây keo và xây chuồng nuôi heo thương phẩm. Để mở rộng sản xuất, chị tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để xây dựng trang trại và trồng thêm 2ha rừng keo tràm.
“Năm 2017, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo của địa phương. Buổi đầu còn khó khăn, chỉ vài năm là có thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi và trồng rừng, đến nay gia đình tôi đã trả được gần hết số nợ vay ngân hàng”- chị Mây bộc bạch.
Chất lượng tín dụng bền vững
Ông Hoàng Minh Tứ- Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Đông cho biết, tổng dư nợ trên địa bàn đến 31/10/2019 đạt gần 184 tỷ đồng, so với năm 2018 tăng gần 14 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng tiếp tục được củng cố và duy trì bền vững. Nợ quá hạn đến cuối tháng 10/2019 chỉ còn 70 triệu đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ. Việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn luôn được quan tâm và theo dõi thường xuyên, tỷ lệ thu nợ kỳ cuối hàng tháng luôn đạt tỷ lệ trên 95% nợ phải thu.
Ngân hàng CSXH huyện đang thực hiện 15 chương trình cho vay vốn. Để chuyển tải vốn đến hộ vay một cách thuận lợi, Ngân hàng CSXH huyện đã ủy thác nguồn vốn vay cho 100% hội đoàn thể cấp xã và ủy nhiệm vay vốn cho 121 tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời lập hồ sơ bình xét cho vay khi hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay.
Ông Hoàng Minh Tứ đánh giá, những năm qua, vốn tín dụng chính sách là nguồn lực tài chính cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhờ có nguồn vốn này đã phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhiều hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Đồng thời, vốn tín dụng chính sách đã góp phần đẩy lùi tình trạng bán sản phẩm non và cho vay nặng lãi tại nông thôn.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Nam Đông tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tín dụng chính sách xã hội đến với người dân. Tranh thủ nguồn vốn của cấp trên đồng thời đôn đốc thu hồi vốn để cho tái vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.