Còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng từ nhiều ngày trước, các nhà vườn trồng hoa Tết tại TPHCM đã tất bật vụ xuống giống. Thời tiết cuối năm được các nhà vườn dự báo có nhiều thuận lợi để cây ra hoa đúng vụ.
Nông dân TP.HCM đang bắt đầu tất bật chăm sóc hoa vụ Tết. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nông dân Lê Văn Hòa (ngụ P. Thới An, Q.12) vui vẻ khoe, vụ hoa Tết này, vườn của ông chuẩn bị khoảng 40.000 giỏ hoa để cung ứng cho thị trường. Ngoài hoa truyền thống là cúc đại, ông Hòa còn ươm thêm nhiều giống khác như dừa cạn, hoa mào gà… Hiện các giống ông đang trồng phát triển tốt nên ông đang kỳ vọng vào một mùa hoa thắng lợi.
“Hiện nay, những dòng hoa này đều được người mua đón nhận vì giá cả vừa phải, lại vừa có thể chưng lâu đến khi ra tết. Đây cũng là những loại hoa bình dân nhưng rất quen thuộc trong mùa tết”, ông Hòa chia sẻ.
Cũng theo ông Hòa, sau khi ông “ngó nghiêng” vài nơi thì biết rằng, năm nay nhiều tỉnh thành ở miền Trung trồng hoa nhưng đều bị lũ lụt, nhiều hộ thiệt hại trắng tay. Riêng ở nhiều làng hoa TPHCM không bị ảnh hưởng gì, hơn nữa thời tiết năm nay khá thuận lợi, do đó ông Hòa cho rằng, hoa Tết sẽ bán rất chạy và có giá hơn chút đỉnh.
Chị Lê Thị Đào (ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng thông tin, gia đình chị đã xuống giống khoảng 7.000 chậu hoa hướng dương và mồng gà. Hiện các chậu hoa đều đang phát triển tốt, được hơn tháng tuổi.
Dù chưa biết giá cả sẽ thế nào, tuy nhiên, chị Đào kỳ vọng giá cả và sức mua năm nay chỉ cần ngang bằng giá Tết năm trước. Theo đó, Tết Nguyên đán 2017, sau khi trừ các chi phí, gia đình chị Đào lời gần 50 triệu đồng từ việc trồng hoa bán Tết. Hiện tại, đã có một số thương lái đến vườn đặt cọc mua hoa nên chị Đào cũng khá phấn khởi cho vụ mùa năm nay.
Trong khi đó, hiện các giống hoa như cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, hoa hồng.. đã được xuống giống vài tháng và đang phát triển tốt. Riêng các loại cây ngắn ngày như: dạ yến thảo, thược dược, mãn đình hồng, vạn thọ… sẽ xuống giống dứt điểm vào giữa tháng 10 âm lịch tới đây.
Nhiều vườn quất ở quận 12 cũng đã bắt đầu vào kỳ chăm sóc dưỡng trái. Một số vườn quất đã cho trái bằng đầu đũa và đang được nhà vườn “nâng như nâng trứng”.
Còn các nhà vườn trồng mai thì vào vụ hoa Tết khá cẩn trọng. Năm nay là năm nhuần thêm 1 tháng nên cây có chu kỳ sinh trưởng đến 13 tháng, khiến cây “sung sức” hơn mọi năm, có thể sẽ tăng nhiều về số lượng.
Năm nay nhuần, mai có thể nở sớm nên một số nhà vườn chọn cách vào phân bón chậm hơn 1 tháng.
Anh Nguyễn Ngọc Phương, chủ vườn mai Phương (ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM), một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm trồng mai chia sẻ, để cây mai cho hoa đúng vụ, năm nay, anh Phương chọn thời điểm vào phân chậm lại 1 tháng, tránh cho cây ra hoa sớm trước Tết.
Tuy vậy, người trồng mai cũng còn phải theo dõi tiết trời để điều chỉnh cách chăm sóc cho cây. Dự kiến, anh Phương sẽ đưa ra thị trường khoảng 400 – 500 chậu mai bán dịp Tết, nếu bán hết thì tổng doanh thu khoảng 700 – 800 triệu đồng.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, dịp Tết Nguyên đán 2017, giá hoa kiểng phục vụ Tết vừa được mùa, vừa được giá, đặc biệt hoa lan Denbrobium trồng chậu được tiêu thụ mạnh nhất vì thương lái thu gom mang đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc... ÔNg Nguyễn Văn Tủi - Trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân TPHCM, cho rằng, tình hình tiêu thụ hoa và kiểng năm 2018 nhiều khả quan, nên nhiều khả năng nông dân thành phố sẽ tăng diện tích, sản lượng hoa, kiểng phục vụ thị trường dịp Tết. Dự báo về hoa Tết, theo Sở Công thương TPHCM, thị trường TPHCM tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành hoa các loại như hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng. Trong đó, 4 chợ chuyên kinh doanh hoa của TP.HCM như Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức sẽ cung ứng khoảng 80% thị phần hoa tươi. |