Nhiều ngày qua, các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc bị ùn ứ hàng hóa nên nông sản của người dân vùng Tây Nguyên khó tiêu thụ, đặc biệt là hàng nghìn ha dưa hấu đang vào vụ mùa thu hoạch.
Nông dân khóc ròng trên ruộng vì hiện giá 1kg dưa còn chưa… mua đủ bó rau.
Khóc trên ruộng dưa
Tại làng Cà Lá, xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, vợ chồng anh Lê Văn Huy (45 tuổi) và chị Văn Thị Toán (39 tuổi, quê xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) ngồi buồn lo bên vườn dưa hấu.
Cửa khẩu ùn ứ, tiêu thụ nông sản khó khăn khiến nông dân như ông Thải lại chịu một mùa dưa hấu thua lỗ, nợ nần. Ảnh T.T |
Vào đầu tháng 9.2021, gia đình chị Toán vay hơn 200 triệu đồng, khăn gói lên xã Ia Mơ tìm thuê 2,5ha đất trồng dưa. “Với mỗi ha dưa hấu, gia đình đầu tư tiền hơn 160 triệu đồng, năm nay do mưa nắng thất thường, dưa mất mùa, sản lượng bị hao hụt còn 30-40 tấn/ha. Nếu bán ra thì gia đình thu về từ 70 triệu - 100 triệu đồng/ha khiến nông dân trồng dưa gánh chịu thua lỗ”, chị Toán nói.
Cứ đến cuối tháng 12, thương lái lại rộn ràng đi thu mua dưa hấu, xe công nông, xe tải vào tận ruộng dưa chở hàng. Nhưng năm nay thương lái thưa dần, thỉnh thoảng mới có vài ba thương lái xuất hiện “đàm phán” giá dưa với nông dân.
Hiện các cửa khẩu kết nối giao thương với Trung Quốc bị ách tắc, ùn ứ do công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nên việc lưu thông hàng nông sản tiêu thụ gặp khó khăn. Hàng nghìn container xếp hàng dài trước cửa khẩu chờ đến lượt thông quan. Do vậy, thương lái chỉ thu mua với giá từ 2.200-2.500 đồng/kg dưa, trong khi năm ngoái giá dưa từ 7.500 đồng – 9.000 đồng/kg.
Cửa khẩu ùn ứ, tiêu thụ nông sản khó khăn khiến nông dân như ông Thải lại chịu một mùa dưa hấu thua lỗ, nợ nần. Ảnh T.T |
Mất mùa dưa, sổ đỏ nằm ngân hàng
Bên ruộng dưa hấu đã chín rộ, ông Nguyễn Văn Thải (52 tuổi, quê huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lo lắng, nếu không chịu bán giá rẻ mạt thì dưa thối trên ruộng, mất cả chì lẫn chài. Mùa dưa này, hai vợ chồng ông cắm sổ đỏ vào ngân hàng để vay hơn 250 triệu đồng, lên Gia Lai thuê đất trồng dưa, dựng chòi bạt giữa cánh đồng để tá túc qua ngày.
“Giá phân bón tăng cao gấp đôi, tiền điện, nước cũng tăng, người nông dân trồng dưa lấy công làm lãi. Nhưng với vụ mùa này thì còn thâm hụt, lo không đủ trả nợ ngân hàng để chuộc lại sổ đỏ”, ông Thải buồn bã nói. Thời điểm cuối năm, Gia Lai không còn mưa, nhưng thời tiết thay đổi, chiều đến là mưa trái mùa nên ruộng dưa dễ bị úng nước, bị nứt hư hỏng, thương lái mua với giá thấp bèo. Với tình cảnh thị trường đầu ra như hiện tại thì chính các thương lái mua hàng cũng lo bán ra không được giá và chịu lỗ như người trồng dưa.
Cửa khẩu ùn ứ, tiêu thụ nông sản khó khăn khiến nông dân như ông Thải lại chịu một mùa dưa hấu thua lỗ, nợ nần. Ảnh T.T |
Được biết, Gia Lai là một trong những tỉnh có vùng trồng dưa lớn nhất ở Tây Nguyên với hàng nghìn ha, riêng 2 huyện Krông Pa và Ia Pa đã có hơn 1.000ha dưa hấu. 3 tháng cuối năm, đã thành phong trào từ nhiều năm nay, người nông dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi lại tìm lên các huyện như Chư Prông, Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa…để thuê đất trồng dưa hấu với hy vọng có cái Tết ấm no, đủ đầy. Nhưng với giá dưa như năm nay thì nguy cơ nợ nần, thua lỗ và trả lãi ngân hàng đã hiện hữu trước mắt.
(Theo Lao Động)