Kênh nứt nẻ, lúa khó bán
Đây là thời điểm người dân ở vùng ngọt hóa Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên, do hệ thống kênh mương thủy lợi trong vùng khô cạn, nên việc bán lúa của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này chạy dọc các tuyến kênh nội đồng của huyện Trần Văn Thời, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy tấp nập chở theo các bao lúa vận chuyển đến điểm thu mua.
Thương lái thuê xe ôm chở từng bao lúa từ nơi thu hoạch đến điểm thu mua. Ảnh: T.T
Từ tháng 3 - 5/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước có khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Từ tháng 6 - 8/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ và diễn ra gay gắt hơn mùa khô năm 2019. |
Theo người dân địa phương, tùy theo khoảng cách từ điểm bán lúa đến điểm thua mua mà mỗi tấn lúa người dân phải tốn chi phí vận chuyển bằng xe máy từ 200.000-500.000 đồng. Có những hộ nằm xa trục giao thông chính, đường sá bị sụp lún thì thu hoạch xong thương lái không vào mua.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Thân (ngụ ấp Bình Minh 2, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Gia đình tôi năm nay trồng giống lúa OM18. Như năm trước có ghe vào kênh mua, tôi bán được giá 5.200 đồng/kg, còn năm nay kênh cạn nên thương lái chỉ mua 4.500 đồng/kg, họ trừ tiền phí thuê xe máy vận chuyển lúa từ kênh nhỏ ra kênh lớn còn nước”.
Ông Nguyễn Trường Đời - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Thông thường hàng năm, lúa của bà con vận chuyển ra đến bãi tập kết chỉ mất 250 đồng/kg. Còn năm nay, tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt làm các tuyến kênh, gạch khô cạn, người dân không thể vận chuyển lúa bằng đường thủy, còn đường bộ thì sạt lở không thể vận chuyển bằng xe tải, bà con phải vận chuyển bằng phương tiện xe hai bánh, khiến chi phí tăng lên gần gấp đôi, chưa kể thời gian vận chuyển rất chậm”.
“Hiện còn tình trạng nghiêm trọng hơn là nông dân thu hoạch rồi, nhưng không có thương lái để bán. Bởi đoạn đường vận chuyển xa, tốn nhiều thời gian, thương lái sợ lỗ vốn nên không vào thu mua” - ông Đời chia sẻ.
Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau kiến nghị nghiên cứu xây dựng hệ thống kênh trục, cấp nước ngọt theo hình thức cưỡng bức (bơm) từ sông Hậu về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các tỉnh ven biển vùng bán đảo Cà Mau hoặc nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ chứa qui mô lớn ở vùng ngọt (U Minh); xây dựng khôi phục lại hệ thống ao, hồ theo cụm, tuyến dân cư "giếng làng" để trữ nước mưa phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan chuyên môn chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng.
Cảnh báo hạn, mặn ở Trung Bộ
Không chỉ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc thiếu hụt nguồn nước, hạn mặn cũng đang đe dọa nhiều tỉnh Trung Bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo ông Vũ Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, điều này hoàn toàn có thể xảy ra do mùa mưa lũ năm 2019 các đợt mưa lớn xuất hiện ít, tổng thời gian mưa ngắn, lũ phổ biến ở mức lũ vừa và nhỏ. Tổng lượng dòng chảy trên các lưu vực trên toàn quốc nói chung và khu vực Trung Bộ nói riêng ở mức thấp và thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Hiện nay, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 40-80%, một số sông thiếu hụt trên 80% như trên sông Cả (Nghệ An) tại Yên Thượng, sông Ba (Phú Yên) tại Củng Sơn.
Dung tích các hồ thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế thiếu hụt từ 10-30% so với dung tích thiết kế (DTTK); các hồ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận thiếu hụt từ 11-47% so với DTTK; các hồ ở khu vực Tây Nguyên thiếu hụt từ 2-10% so với DTTK; Các hồ thủy điện vừa và lớn khu vực Bắc Trung Bộ thiếu hụt từ 17-25% so với DTTK; các hồ Trung Trung Bộ thiếu hụt từ 10-66% so với DTTK; các hồ Nam Trung Bộ thiếu hụt 12-55% so với DTTK; các hồ ở Tây Nguyên thiếu hụt từ 10-25% so với DTTK.
Cũng theo ông Long, hiện tượng ENSO trong những tháng nửa đầu năm 2020 ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020. Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ phổ biến từ 0,5-1,50C độ.Tổng lượng mưa trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020 trên toàn trên toàn quốc nói chung và khu vực Trung Bộ nói riêng phổ biến đều ở mức thiếu hụt so với TBNN, thậm chí nhiều khu vực thiếu hụt rất nhiều.
Điều này dẫn đến nguồn nước trên các sông suối khu vực khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 35-70%, một số sông thiếu hụt trên 80%.
“Nguy cơ cao xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020. Cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn vào các cửa sông ở khu vực này sẽ diễn ra sớm hơn và xâm nhập sâu hơn”- ông Long nói.