VietinBank vừa công bố miễn toàn bộ phí duy trì và giao dịch trên kênh ngân hàng số - VietinBank iPay từ ngày 1/1/2022 mà không cần tham gia gói hay duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản.
Cụ thể, VietinBank áp dụng: Miễn phí tất cả giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống qua VietinBank iPay; miễn phí duy trì tài khoản thanh toán/gói tài khoản thanh toán mà không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu; miễn phí duy trì dịch vụ iPay.
Thêm vào đó, khách hàng VietinBank cũng sẽ được miễn phí duy trì dịch vụ biến động thông tin tài khoản qua OTT; miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa/thẻ ghi nợ quốc tế.
Đặc biệt, VietinBank còn tặng miễn phí đặt Alias tài khoản theo số điện thoại cho mọi khách hàng. Alias là dịch vụ đặt tên riêng cho tài khoản của VietinBank, cho phép khách hàng thỏa sức sáng tạo đặt tên và lựa chọn tên tài khoản gắn với tên cửa hàng, tên thương hiệu; số điện thoại, phong thủy hoặc một dãy gồm các ký tự chữ và số theo mong muốn, khẳng định thương hiệu, cá tính riêng.
VietinBank cho biết, việc mở rộng chính sách miễn phí dịch vụ "vô điều kiện" cho khách hàng thuộc một phần của định hướng trở thành ngân hàng phục vụ toàn dân.
Trước đó, từ năm 2020, VietinBank cũng đã áp dụng chính sách 0 phí khi miễn hầu hết các loại phí giao dịch: phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống qua iPay, phí quản lý tài khoản... cho khách hàng tham gia Gói Tài khoản thanh toán.
Việc miễn phí toàn bộ dịch vụ được kỳ vọng sẽ tạo nên một lực đẩy mạnh cho ngân hàng số VietinBank iPay tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa thời gian tới, giúp ngân hàng tiếp tục tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), từ đó có lợi thế về chi phí vốn.
Trên thực tế, nhờ việc đầu tư mạnh cho VietinBank iPay và áp dụng các gói tài khoản miễn phí, ngân hàng cũng đã ghi nhận những kết quả ấn tượng về CASA thời gian qua.
Cụ thể, tỷ lệ CASA của VietinBank đã tăng từ quanh mức 13% trong năm 2016 lên hơn mức gần 19% trong năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ CASA tiếp tục duy trì quanh mức 19%.
Trong báo cáo phân tích gần đây, nhóm chuyên gia của Chứng khoán MBS cho biết, tỷ lệ CASA của VietinBank hiện tương đương với mức trung bình ngành, tuy nhiên vẫn còn thấp so với các ngân hàng tương tự như Vietcombank (30,15%), Techcombank (42,7%), MBB (34,6%), ACB (21,5%). Do vậy, VietinBank vẫn còn dư địa nhằm tăng trưởng CASA nhằm tạo ra lợi thế chi phí vốn cho mình. MBS dự báo mức CASA của VietinBank sẽ đạt mức trên 35% vào năm 2025.
Về VietinBank iPay, trong quý 2/2021, tổng số lượng khách hàng cá nhân sử dụng đã đạt mức 3,6 triệu khách hàng (tăng tới 43% so với cùng kỳ), tổng khối lượng giao dịch tăng 117% so với cùng kỳ. Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân thông qua E-bank cũng tăng tỷ trọng từ mức 41% trong năm ngoái lên 62% tính đến cuối quý 2/2021. Đối với khách hàng doanh nghiệp, số lượng khách hàng doanh nghiệp giao dịch qua E-bank tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, đi cùng số lượng giao dịch và khối lượng giao dịch tăng lần lượt 122% và 107% so với cùng kỳ.
Như vậy, hiện cả 4 ngân hàng lớn đều đã miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền trên kênh số. Vietcombank và BIDV mới đây tuyên bố miễn phí toàn bộ dịch vụ trên VCB Digibank và BIDV Smart Banking từ 1/1/2022, trong khi Agribank miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền từ hồi tháng 6/2021.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng tư nhân đã tham gia mạnh mẽ vào cuộc đua miễn phí dịch vụ, với Techcombank, VIB,...là những nhà băng tiên phong nhằm khuyến khích khách hàng mở tài khoản thanh giao dịch và thúc đẩy các kênh thanh toán online. Nhờ có phí dịch vụ rẻ, những ngân hàng này đã có lợi thế rõ rệt và thu hút được được lượng lớn khách hàng những năm qua. Tuy nhiên, "cuộc chơi" hiện nay đã thay đổi, lợi thế về phí đã không còn thuộc về một vài nhà băng, cạnh tranh trong cuộc đua số hoá ngành ngân hàng đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.