Cụ thể, theo quyết định cuối cùng của DOC mới đây, có 2 doanh nghiệp phải chịu mức thuế cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử các kỳ xem xét hành chính đối với vụ kiện CBPG cá tra Việt Nam. Hai doanh nghiệp này gồm Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods, với mức thuế lên tới 7,74 USD/kg.
Mức thuế 7,74 USD/kg, cao gấp 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.
Ngoài hai doanh nghiệp này, còn có 9 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế CBPG vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 USD/kg.
Cá tra Việt Nam vừa bị DOC áp thuế CBPG cao chưa từng có. Ảnh: Ngọc Trinh.
Những doanh nghiệp này gồm Godaco, Caseamex, Cuu Long Fish, Dai Thanh Seafoods, Green Farms, Hung Vuong Group, NTSF Seafoods, Southern Fishery, Vinh Quang Fisheries. Riêng Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế xuất khẩu vào Mỹ 0 đồng và Công ty cổ phần Thủy sản Biển Đông bị áp mức thuế 19 cent/kg.
Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, những doanh nghiệp không tham gia vào vụ kiện, phải chịu mức thuế chung toàn quốc là 7,74 đô la/kg.
Trước đó, hồi tháng 9.2017, DOC đã công bố kết quả sơ bộ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có quyết định sơ bộ thuế CBPG của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam giai đoạn từ 1.8.2015 đến 31.7.2016.
Theo đó, trong quyết định sơ bộ của POR13, DOC công bố mức thuế 2,39 USD/kg. Mức thuế này cao gấp 3 lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ POR 12 trước đó.
Phản ứng trước kết quả này, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng, đây là lần đầu tiên DOC đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định sơ bộ.
Với việc bị áp thuế cao, cá tra Việt Nam càng khó khăn ở thị trường Mỹ.
Theo đó, DOC đã dùng mức thuế tính theo AFAs để tính mức thuế trung bình cho các công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ khác trong khi các công ty này đã cung cấp đầy đủ hồ sơ dữ liệu theo đúng thời hạn và yêu cầu của DOC.
Do đó, Vasep đã lên tiếng phản đối kết quả sơ bộ của POR13. Tuy nhiên, dường như việc lên tiếng không mang lại hiệu quả khi kết quả cuối cùng, mức thuế còn tăng thêm cho các doanh nghiệp.
Cũng theo Vasep, tính tới cuối năm 2017, cả nước có 14 doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu chính sang thị trường này với khối lượng và giá trị đáng kể là Vinh Hoan Corp, Hung Vuong Corp và Bien Dong Seafood. Các doanh nghiệp khác chỉ thực hiện hợp đồng cầm chừng hoặc bỏ hẳn thị trường này do thuế CBPG cao. Tuy vậy, Mỹ vẫn là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, dự báo trong năm 2018, xuất khẩu vào thị trường này sẽ càng khó khăn hơn khi ngày càng nhiều các rào cản, cả về thuế lẫn các rào cản kỹ thuật. Mới hồi tuần trước, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã hết sức bất ngờ trước kết quả mức thuế CBPG mà Mỹ áp cho sản phẩm tôm Việt Nam trong giai đoạn từ 2016 - 2017.
Theo đó, mức thuế cho công ty Fimex là 25,39% và mức thuế này cũng được áp dụng cho tất cả các công ty khác xuất khẩu tôm vào Mỹ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho rằng, mức thuế này quá cao cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, vì phía Mỹ đã áp dụng hệ số chuyển đổi chưa chính xác cho các doanh nghiệp khi xem xét tính thuế. Phía Vasep đã phản ánh vấn đề này đến DOC.
“Nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của Công ty Fimex sẽ chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% như đã công bố”, ông Hòe nhận định.
Cũng theo ông Hòe, có hai khả năng phía Mỹ sẽ phản ứng trước sai sót trên là sẽ đính chính ngay trong kết luận sơ bộ, hoặc sẽ thay đổi mức thuế áp dụng trong kết luận chính thức. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có thông tin nào thêm về vụ việc khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.