Từ nhóm giải ngân cao, xuống nhóm thấp
Thông thường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là một trong những đơn vị lọt nhóm giải ngân đầu tư công cao. Trong 5 tháng năm ngoái, dù trong điều kiện giãn cách xã hội khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công của bộ này đạt 28,2%. Nhưng năm nay, đơn vị này là một trong những bộ, ngành, cơ quan trung ương “tụt hậu” khi có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 20%. Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 31/5, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công của ngành đạt khoảng 1.048.062 tỷ đồng (đạt 16,28% vốn đã giao).
Trong đó, vốn trong nước giải ngân ước đạt 18% so với kế hoạch), vốn nước ngoài đạt 12,3%. Đặc biệt, các chương trình đầu tư xây dựng cơ bản của ngành nông nghiệp lớn nhất vẫn là xây dựng các công trình thủy lợi và đầu tư, nâng cấp các cảng cá song tỷ lệ giải ngân ở nhóm này vẫn ở mức “rùa bò”.
Các dự án nâng cấp, sửa chữa cảng cá chậm khiến cho việc tháo gỡ thẻ vàng của thuỷ sản gặp không ít khó khăn
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm nay đơn vị có 19 dự án đầu tư công. Tuy nhiên, hiện khâu phê duyệt thủ tục còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư ở một số dự án theo chủ trương chưa hợp lý trong khi thực tế triển khai khác so với kế hoạch nên cần điều chỉnh. Do vậy, từ nay đến cuối năm, Tổng cục chỉ phấn đấu được phê duyệt xong các báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng các dự án, trong đó cố gắng có thể khởi công được 4-6 dự án trong năm nay.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Bộ vừa rà soát, phân nhóm các dự án gộp để có phương án điều chỉnh; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào các dự án dự định khởi công trong năm 2022. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, trong giai đoạn sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ chuẩn bị các dự án kỹ lưỡng hơn và không có chuyện bố trí vốn “tỉnh làm một ít, Trung ương làm một ít” như giai đoạn trước khiến thời gian kéo dài và đội vốn.
Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay ngành thủy sản còn 36 cảng cá và gần 80 khu neo đậu tránh trú bão chưa đạt tiêu chuẩn cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, còn một số dự án đầu tư, nâng cấp cảng cá loại 2 và khu neo đậu tránh trú bão ở địa phương sẽ lấy nguồn vay vốn ODA Phát triển thủy sản bền vững, đã được Thủ tướng phê duyệt và đang chuẩn bị đầu tư.
“Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy sản được xác định rất cấp bách. Nếu không hoàn thiện sớm, chúng ta sẽ khó gỡ “thẻ vàng”. Nhưng hiện nhiều địa phương chưa dành nguồn lực để đầu tư cho việc nâng cấp hạ tầng cảng cá. Việc quản lý yếu kém của các đơn vị quản lý cảng cá; nguồn nhân lực tại cảng còn thiếu và chưa được đào tạo...cũng khiến hoạt động đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực này còn rất chậm”, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho hay. Theo vị này, trong 5 tháng đầu năm, giải ngân các dự án đầu tư công do Tổng cục Thủy sản quản lý mới đạt chỉ hơn 4%.
"Nắn" chủ trương theo sát thực tế
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc giải ngân đầu tư công của bộ được theo dõi chặt và giám sát liên tục hàng tháng. Tuy nhiên, với các dự án vốn ngân sách trung ương, giá cả vật liệu tăng cao đột biến làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu. Với dự án ODA, theo quy định không cho sử dụng vốn vay chi thường xuyên và chi trả thuế VAT nên các dự án ký trước ngày các văn bản trên có hiệu lực Bộ NN&PTNT phải tiến hành rà soát, trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng như hiệp định vay, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện và giải ngân.