Giá trị không tăng đồng thuận với năng suất
Ớt là một trong những mặt hàng rau quả xuất khẩu của TP.HCM. Ảnh: N.V
"Tư duy đổi mới sáng tạo nếu không cụ thể, nông dân rất ngại chuyển đổi vì tập quán và đời sống còn khó khăn. Khi thấy được cái lợi từ giá trị gia tăng và xuất khẩu, nông dân sẽ làm theo để nâng cao thu nhập chứ cứ xuất thô ào ạt mà lợi nhuận không bao nhiêu, người dân cũng nản”. Ông Ưng Thế Lãm |
Ông Dương Hoa Xô - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, từ nhiều năm qua, nông nghiệp thành phố đã xác định phải gắn liền với ứng dựng khoa học công nghệ và khả năng chuyển giao cho người sản xuất. TP.HCM sẽ là nơi phát triển công nghệ mới và tập trung công tác giống, chuyển giao cho các tỉnh rồi nhận lại thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.
Ngoài thế mạnh dẫn đầu về cá cảnh, một số mặt hàng xuất khẩu khác của TP.HCM tập trung vào hoa lan và các loại rau quả. Trong ngành hoa lan, chỉ có giống Mokara xuất khẩu được, các loại khác vẫn chưa sánh được với sản phẩm của Thái Lan.
Theo thống kê của Sở NNPTNT, diện tích sản xuất rau của TP.HCM khoảng gần 3.500ha, đã hình thành các vùng chuyên canh ở Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Chủng loại rau quả xuất khẩu chủ yếu là ớt các loại, nấm rơm, rau, củ, quả sấy giòn, bắp cải.
Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam nói chung, lâu nay vẫn bó hẹp ở phạm vi trong nước; chỉ xuất khẩu được sang một số thị trường dễ tính. Trong khi đó, chính sách phát triển nông nghiệp chủ yếu vẫn tập trung thúc đẩy tăng năng suất, biểu hiện qua việc khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tạo giống và canh tác nhưng chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo ra giá trị gia tăng, thương hiệu và phát triển thị trường.
Việc tăng năng suất không đồng nghĩa với tăng giá trị nếu không đi kèm với các giải pháp phát triển thị trường. Ông Tuấn chỉ ra rằng, trên thực tế, Việt Nam tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp với giá trị gia tăng thấp như lúa gạo, cao su, cà phê, thịt lợn… nhưng lại rất hạn chế đối với các mặt hàng có giả trị gia tăng cao như rau, quả, hoa.
Không bỏ quên quyền lợi của nông dân
TP.HCM xuất khẩu rau, quả thua xa nhập khẩu: * Có khoảng 17 đơn vị xuất khẩu rau, quả các loại * Tổng sản lượng xuất khẩu khoảng 263.231 tấn/năm; giá trị xuất khẩu là 265 tỷ đồng. * Tốn 70 triệu USD mỗi năm (khoảng 1.575 tỷ đồng) để nhập khẩu giống rau. |
Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu gần 150.000 tấn giống cây trồng, trong đó hơn 7.000 tấn giống lúa, còn lại là các giống cỏ, ngô, rau, hoa và dưa hấu… 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu hơn 4.800 tấn giống cây các loại.
Công tác chọn tạo giống cũng là hướng đi mà thành phố đang tập trung đẩy mạnh trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện nay. Theo ông Nguyễn Văn Thành - Chi hội trưởng Chi hội Thương mại giống cây trồng Đông Nam Bộ, điều kiện đô thị TP.HCM thích hợp các mặt hàng rau xanh do dễ trồng, có sức tiêu thụ cao và mang lại lợi nhuận không nhỏ.
Đối với ngành hàng rau, dù có ứng dụng công nghệ cao, khả năng cung cấp rau tại chỗ chỉ đáp ứng 30 - 50% nhu cầu tiêu dùng. Từ đó, ông Thành đặt vấn đề tại sao không chuyển sang sản xuất hạt giống với thu nhập cao hơn. “Tất nhiên, công tác nghiên cứu chọn tạo giống phải luôn gắn liền với nông dân. Các giống mới sẽ không tạo ra được bất kỳ tác động nào trên thị trường nếu không được nông dân chấp nhận” - ông Thành nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm này, ông Ưng Thế Lãm - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn XNK và thương mại Toàn Cầu (quận 1) cho rằng, người làm nông nghiệp cần quan tâm là nông dân hưởng được bao nhiêu trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản khi họ vẫn đang chiếm khoảng 70% dân số cả nước.