Năm 2020 là một năm của nhiều thách thức chưa từng có đối với ngành nông nghiệp không chỉ của Việt Nam mà trên toàn thế giới. Một mặt, COVID-19 khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, giao thương bị đình trệ. Mặt khác, thiên tai cực đoan và dị thường khiến sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn. Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc thậm chí còn đưa ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Mặc dù vậy, với quyết tâm khó khăn 1 thì phải nỗ lực gấp đôi, gấp 3, nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam đã có một năm vượt khó thành công. Xuất khẩu nông sản vẫn đạt kim ngạch hơn 41,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Nhiều doanh nghiệp cũng tăng doanh thu từ thị trường trong nước.
Điều này cho thấy, nếu tìm được lối đi riêng thì bất cứ loại nông sản nào cũng có thể đem lại cuộc sống tốt hơn cho nông dân.
Hạt gạo nỗ lực vượt khó
Những khác biệt của hạt gạo Việt Nam được tạo nên từ một năm đầy sóng gió nhưng cũng nhiều thăng hoa.
Ngày 6/3/2020, bệnh nhân số 17 đánh dấu sự hiện diện của COVID-19 tại thủ đô Hà Nội. Người dân đổ xô tích trữ gạo và thực phẩm trong tâm trạng lo lắng.
Ngày 7/3/2020, Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 23h đêm, không để thiếu hàng. Thậm chí, Chính phủ yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo trong tháng 4 để cân đối cung - cầu.
Tháng 9/2020, Việt Nam đưa lô gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do với giá trị mỗi tấn gạo lần đầu tiên vượt mốc 1.000 USD .
Với những mặt hàng đứng số 1, số 2 thế giới về sản lượng, trong năm 2020, làm thế nào để tiêu thụ hết nông sản cho nông dân trong bối cảnh COVID-19 là câu hỏi lớn đặt ra. Đó cũng là lý do mà năm 2020 cũng là năm bứt phá của chế biến nông sản.
Trong một năm đã có gần 20 nhà máy chế biến lớn được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động. Vừa góp phần giảm áp lực tiêu thụ khi vào mùa thu hoạch, vừa giúp nông sản Việt Nam đi xa hơn ngay cả trong đại dịch.
Tăng trưởng nhờ khai phá thị trường nội địa
Thị trường nội địa với gần 100 triệu dân là một thị trường nhiều tiềm năng để phát triển. Đó là nhận định nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã đưa ra khi nhìn lại năm 2020 vừa qua.
COVID-19 khiến xuất khẩu gặp khó khăn và đó chính là cái cớ để các doanh nghiệp quay trở lại thị trường trong nước. Người tiêu dùng nội địa đã mang lại không ít bất ngờ cho các doanh nghiệp từ nhu cầu mua sắm đến khả năng chi tiêu.
Chưa biết lúc nào dịch bệnh mới chấm dứt, nhưng câu chuyện các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trong dịch bệnh là minh chứng cho thấy nếu nhìn bằng con mắt lạc quan, COVID-19 cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm những hướng đi mới, khai phá thị trường tiềm năng mới, trong đó có thị trường nội địa.
Ngành nông nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn, một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, khẳng định tiếp tục là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế, góp phần cho đà tăng trưởng dương. Đây là những bước tạo đà cho sự khởi sắc của nông nghiệp nước nhà trong năm nay.