Nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào ngày 25/04/2024 (Thứ Năm).
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng.
Trước đó, trong phiên đấu thầu ngày 23/4, 16.800 lượng vàng miếng SJC dự kiến cung ra thị trường, thế nhưng khối lượng trúng thầu chỉ đạt 3.400 lượng, tương đương khoảng 20%. Như vậy, 80% vàng đấu thầu bị "ế" trong phiên đấu thầu ngày 23/4.
Đáng chú ý, 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu, có 11 đơn vị tham gia. Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với giá cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và gái trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC đang được niêm yết ở mức 82,3 triệu đồng/ lượng mua vào và 84,3 triệu đồng/ lượng bán ra. Tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán so với mở phiên sáng nay.
Còn tại Doji, giá vàng SJC khu vực Hà Nội đang là 81,8 triệu đồng/lượng mua vào và 83,80 triệu đồng/ lượng bán ra. Tăng 1,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào là 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch mua bán cũng là 2 triệu đồng/lượng.
Tại PNJ, giá vàng SJC khu vực TPHCM đang được niêm yết ở mức 81,90 - 84,00 triệu đồng/lượng mua vào bán ra. Tăng 2,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Chênh lệch mua bán lên đến 2,1 triệu đồng/lượng.
Còn tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC đang là 82,05 triệu đồng/ lượng mua vào và 84 triệu đồng/ lượng bán ra. Tăng 750.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Chênh lệch mua bán là 1,95 triệu đồng/lượng.
Đối với vàng nhẫn, các doanh nghiệp cũng rục rịch điều chỉnh tăng giá, cụ thể như sau:
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), vàng nhẫn 99,99% loại 1-5 chỉ được niêm yết ở 73,10 và 74,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Doji niêm yết giá vàng nhẫn là 74,00 triệu đồng/ lượng mua vào và 75,65 triệu đồng/ lượng bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng cả ở chiều mua và bán.
Trong khi đó, thương phẩm Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết là 73,68 triệu đồng/ lượng mua vào và 75,38 triệu đồng/ lượng bán ra. Đi ngang so với mở phiên sáng nay.
Đà hồi phục giá của vàng miếng SJC diễn ra trong bối cảnh phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước diễn ra vào sáng hôm qua 23/4 với 11 thành viên tham gia đấu thầu vàng, nhưng chỉ có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng (tương ứng 20% khối lượng đấu thầu). Số lượng còn lại là 13.400 lượng vàng vẫn "bị ế".
Với mức giá 84 triệu đồng/lượng, vàng SJC trong nước đang cao hơn giá trúng thầu gần 3 triệu đồng/lượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, giá trúng thầu chỉ thấp hơn thị trường hơn 1 triệu đồng/lượng sẽ không thể làm hạ nhiệt thị trường ngay được. Để có tác động rõ rệt lên thị trường, NHNN cần đấu thầu 4 - 5 phiên tiếp theo. Tuy nhiên, giá cọc sẽ phải thấp hơn nữa mới hấp dẫn các đơn vị bỏ thầu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài vẫn phải cho nhập vàng nguyên liệu để tăng nguồn cung vàng nhẫn, trang sức, mới có thể ổn định được giá vàng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng đã hạ nhiệt so với tuần trước khi căng thẳng Trung Đông được cho là đã giảm bớt. Hiện vàng giao ngay đang giao dịch ở mức 2.327 USD/ounce, quy đổi ra tiền Việt vào khoảng 71 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng thế giới quy đổi hiện thấp hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng nhẫn trong nước. Nếu so với vàng miếng SJC, giá kim loại quý thế giới thấp hơn 12 triệu đồng/lượng.