Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda diễn ra từ 27-30/11, mối quan hệ nồng ấm giữa hai nước trong lịch sử, triển vọng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) cũng như quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng EU... là những yếu tố nền tảng để doanh nghiệp Ba Lan mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Lukasz Holubowski, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp quốc gia (KOWR - Ba Lan), chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và phu nhân tới Việt Nam sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước không chỉ ở cấp độ chính trị mà còn ở cấp độ kinh tế.
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước. Ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp hai nước trong thời gian tới?
Việt Nam là đối tác quan trọng của Ba Lan ở khu vực Đông Nam Á. Hai nước chúng ta đã chia sẻ truyền thống hợp tác kinh tế lâu dài, được đóng góp bởi sự gắn kết tự nhiên từ hàng nghìn người Việt Nam đã từng tốt nghiệp tại các trường đại học của Ba Lan, hiện đang sinh sống ở Việt Nam. Ba Lan coi trọng và muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ nồng ấm này và tăng cường hợp tác vì lợi ích chung của hai nước.
Chúng tôi rất chờ đợi kết quả của chuyến thăm trong việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm giữa hai nước. Trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp quốc gia (KOWR) chú ý tới những tiềm năng lớn trong việc tạo ra sự chuyển biến trong lĩnh vực này.
Vậy ông nhìn nhận như thế nào về sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra thời gian qua?
Sự hợp tác trong nông nghiệp giữa Ba Lan và Việt Nam đã có sự tăng trưởng trong vài năm gần đây. Tôi khá hài lòng khi quan sát con số này. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều trong ngành thực phẩm lên mức 182 triệu EUR, nhưng tôi cho rằng con số này vẫn chưa đạt được mức tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Hai bên có thể nâng gấp đôi con số này trong những năm tới.
Các lĩnh vực tiềm năng là các sản phẩm thực phẩm chế biến cũng như công nghệ và thiết bị của Ba Lan cho ngành công nghiệp thực phẩm. Ngoài ra, hợp tác khoa học giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, trồng trọt và công nghiệp thực phẩm cũng còn rất nhiều cơ hội.
Khó khăn đối với các công ty Ba Lan khi mở rộng hoạt động sang Việt Nam chính là khoảng cách giữa hai nước. Ở đây, khoảng cách mà tôi nhắc tới không chỉ có ý nghĩa về mặt địa lý mà còn cả những rào cản về văn hoá và tinh thần. Việt Nam là một quốc gia ở châu Á, có nền văn hoá và khí hậu khác nhau, nên không dễ dàng tiếp cận.
Vậy theo ông, làm thế nào để giải quyết những thách thức đó?
KOWR đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách bằng cách tạo cơ hội cho các cuộc gặp ở cấp độ cá nhân và thiết lập quan hệ kinh doanh trực tiếp. Một trong những hoạt động xúc tiến được thực hiện bởi KOWR là Chương trình khuyến mại cho đặc sản Ba Lan, một chương trình mà KOWR cũng đang áp dụng tại thị trường Việt Nam.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác trong tương lại. Vậy, Ba Lan sẽ làm gì để thúc đẩy thương mại với Việt Nam, thưa ông?
EVFTA sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho ngành nông nghiệp, thực phẩm Ba Lan và Việt Nam. Các công ty Ba Lan đều nhận định rằng thỏa thuận sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn do giảm các rào cản về quy định và hầu hết các khoản thuế hải quan.
Là một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực sản xuất lương thực, Ba Lan có tiềm năng lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam. Ba Lan được biết đến với các sản phẩm thực phẩm độc đáo, được công nhận trên toàn thế giới.
Chúng được sản xuất theo cách an toàn và minh bạch dựa theo tiêu chuẩn và các chương trình chất lượng của EU. Các sản phẩm nông nghiệp của Ba Lan được làm từ các thành phần tự nhiên nổi tiếng. Tôi tin rằng các doanh nghiệp Ba Lan sẽ sớm có mặt tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.