Nhiều tuần trước, tình trạng thanh long Việt Nam bị ùn ứ ở khu vực biên giới sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu loại quả này đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân Việt Nam nói riêng cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Tình hình thanh long Việt Nam
Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. Nếu nhìn rộng hơn, có thể thấy thanh long Việt Nam hiện đang phải đối mặt với muôn vàn thách thức cả ở trong nước lẫn từ các quốc gia khác trong khu vực. Trả lời tờ Kinh tế Sài Gòn hồi năm 2019, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết thanh long Việt Nam là giống quý, đặc biệt du khách châu Á rất quan tâm trái thanh long ruột đỏ vùng Bình Thuận bởi "màu đẹp, vị ngon và lạ với họ".
Dù vậy, điều đáng tiếc là người Việt hoàn toàn không ý thức mình có nguồn giống cây trồng quý, và quý ở đây là được định nghĩa là "sản lượng ít nhưng chất lượng cực cao".
Nhận định về giống thanh long quý, bà Lan nói: "Chúng ta quá khờ dại khi đến đâu cũng nói đây là giống quý nhưng dễ trồng. Có những lúc, các chuyến chuyên cơ của các phái đoàn nước ngoài tràn ngập thanh long Việt Nam và những đoạn giống. Họ mang về và chúng ta cũng không ý thức bảo vệ nguồn giống".
“Giờ đây, Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã phát triển được trái thanh long có giá trị cao hơn từ nguồn giống của Việt Nam. Trong khi Việt Nam sản xuất dư thừa và có lúc đổ cho bò ăn thì thật đau lòng…”, bà Lan tỏ ra tiếc vì bài học mất độc quyền cây thanh long đắt giá.
Cũng theo Kinh tế Sài Gòn, thanh long Việt Nam từng được thương lái Trung Quốc tranh giành mua với giá 50.000-60.000 đồng/cân. Khi người dân mở rộng diện tích ồ ạt để tăng sản lượng, giá thanh long tụt dốc. Cá biệt những lúc tắc biên, thanh long chỉ còn 500 đồng/cân, nông dân đành đổ đống làm thức ăn cho bò và gia súc hoặc để thối rữa trên các cánh đồng.
Trái thanh long Việt giờ đây còn phải cạnh tranh với sản phẩm của nhiều nước khác.
Lấy ngay ví dụ như Trung Quốc – thị trường tiêu thụ đến 90% thanh long Việt Nam – diện tích trồng thanh long cũng tăng gấp 10 lần, đạt hơn 35.000 héc ta trong những năm gần đây, tập trung ở các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam và Phúc Kiến. Thanh long Việt không chỉ phải canh thời tiết, mùa thuận, mùa nghịch mà còn phải lo né vụ thu hoạch của Trung Quốc để bán được hàng.
Campuchia "tất tay" cho thanh long
Nếu sức ép từ Trung Quốc đã rất lớn, thì nay thanh long Việt Nam còn phải đối phó với chiến lược đầu tư nông sản mạnh mẽ của Campuchia.
Trung Quốc và Campuchia được cho là sẽ ưu tiên đàm phán về xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, bao gồm cả thanh long, nhãn và dừa, chủ yếu theo đường chính ngạch.
Campuchia đã bắt đầu chuẩn bị trước để cung cấp thanh long cho Trung Quốc. Vào tháng 5 năm 2020, Yang Saing Koma, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia, đã khởi động một dự án trồng cây thanh long, trong đó Koma và các đối tác ở tỉnh Preah Vihear của Campuchia thiết lập 1.000 ha đất nông nghiệp để trồng 1 triệu cây thanh long với mục đích cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Koma tin rằng dự án cuối cùng sẽ tạo ra từ 3.000 đến 10.000 việc làm tại địa phương. Họ cũng có kế hoạch thành lập một nhà máy chế biến, với mục tiêu xuất khẩu chính là Trung Quốc và Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon cho rằng nước này sẽ đón đầu nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế, đặc biệt là sang Trung Quốc.
Ông khẳng định rằng các sản phẩm nông nghiệp của Campuchia đã đạt đến tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn và cạnh tranh, thu hút người mua ở nước ngoài.
Nông dân Campuchia đang hy vọng tận dụng thị trường tiêu thụ thanh long lớn ở Trung Quốc.
Đầu tư cho thanh long sẽ điểm khởi đầu mở đường cho dòng nông sản Campuchia sang thị trường Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác trong tương lai.
Tờ Cambodia Daily báo cáo rằng Campuchia đã bắt đầu đánh giá khả năng đầu tư vào xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc. Do đó, thanh long có thể sẽ sớm tiếp bước chuối và xoài để trở thành trái cây thứ 3 của Campuchia được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thị trường giàu tiềm năng cho thanh long
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu trái cây của Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua 10 tỷ USD vào năm 2020. Giá trị nhập khẩu của thanh long đạt 550 triệu USD trong năm 2020, đứng thứ 6 sau sầu riêng, anh đào, chuối, măng cụt và nho tươi. Giá trị nhập khẩu của thanh long cũng tăng 53% so với năm trước, mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lượng nhập khẩu tăng 42%.
Hiện nay, khoảng 80% thanh long trồng trong nước của Việt Nam được bán sang Trung Quốc. Nhìn chung, cho tới nay thị trường nhập khẩu thanh long của Trung Quốc chủ yếu vẫn là Việt Nam.
Vào ngày 7/5, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đã tổ chức lễ kỷ niệm chuyến hàng đầu tiên của Campuchia đối với xoài đến Trung Quốc. Tờ Khmer Times đưa tin lô hàng xoài đầu tiên có tổng khối lượng 100 tấn và có nguồn gốc từ 5 nhà máy đóng gói đã đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Mặc dù lô hàng xoài đầu tiên của Campuchia đến Trung Quốc chỉ vừa mới đến nhưng Campuchia đã tỏ ra háo hức bắt đầu đánh giá khả năng đầu tư vào xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc. Có vẻ như việc xuất khẩu trái cây đã mở rộng tầm nhìn của Campuchia sang thị trường Trung Quốc.
Vào tháng 4/2021, Bộ Thương mại Campuchia cũng chỉ ra rằng họ đang chuẩn bị thành lập ít nhất 5 văn phòng liên lạc thương mại mới ở Trung Quốc, nâng tổng số văn phòng lên 11 văn phòng. Động thái này có thể sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Campuchia sang Trung Quốc.
Sau khi giảm mạnh vào năm 2020, xuất khẩu thanh long tươi sang Trung Quốc đã tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2021.
Sinh viên nông nghiệp Campuchia thăm vườn thanh long ở tỉnh Kratie, Campuchia vào ngày 4/12/2021.
Thanh long được cho là mang lại tài lộc trong cộng đồng người Hoa ở hải ngoại vì tên gọi, hình dáng và màu sắc sặc sỡ của nó. Theo văn hóa dân gian Trung Quốc, loại quả này được tạo ra sau khi con rồng phun lửa trút hơi thở cuối cùng. Trước đây, thanh long thường được dùng để dâng lên hoàng đế.