Theo báo cáo của tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 11.825,7 ha trồng thanh long, trong đó diện tích cho trái khoảng 9.586,2 ha, năng suất 321,5 tạ/ha, sản lượng 317.932 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, thành phố Tân An... Hiện tại thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 1/2020 đến nay khoảng 30.000 tấn. Chưa kể đến 59.580 tấn được thu hoạch trong tháng 2/2020 và 31.750 tấn được thu hoạch trong tháng 3/2020.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch virus Corona gây ra, hàng loạt chợ và cửa khẩu thông thương sang Trung Quốc đang thông báo dời thời gian mở cửa, các đối tác Trung Quốc thu mua thanh long không nhận hàng, đã làm tồn động thanh long trong kho. Phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua thanh long hoặc thu mua với giá thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân.
Trước tình hình đó, hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… đã cùng bắt tay vào hành động nhằm tiếp sức người nông dân Việt Nam. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã chứng kiến sự cam kết đồng hành cùng người nông dân và nông nghiệp Việt Nam của nhiều doanh nghiệp, tổ chức như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Chuỗi siêu thị Coop Mart, Quỹ Khởi Nghiệp Xanh, CTCP Đầu tư Lavifood…
Là doanh nghiệp chuyên chế biến rau củ quả xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu… nên Lavifood đã và đang đầu tư xây dựng những nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất lớn. Hiện tại, Công ty có 2 nhà máy đã đi vào hoạt động là nhà máy Lavifood (Long An), mỗi năm có thể cung ứng hơn 10.000 tấn thành phẩm ra thị trường và nhà máy Tanifood (Tây Ninh) với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm/năm. Nếu hoạt động hết công suất, nhà máy có thể xử lý hơn 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày.
Trước bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh, để đồng hành, chia sẻ cùng bà con nông dân, Lavifood đã và đang mở rộng thu mua và chết biến thanh long với thành những sản phẩm đa dạng, chất lượng như nước ép, sấy khô, sấy dẻo, đông lạnh...
Phía tín dụng, SCB cũng tham gia hỗ trợ vốn không giới hạn hạn mức cho nông sản, đặc biệt ký kết mới từ ngân hàng nằm trong chiến dịch ứng phó dịch virus Corona, lãi suất ưu đãi giảm 0,5-1% với mức thông thường. SCB cũng là một trong những ngân hàng có nhiều hỗ trợ tài chính cho nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu ngành vay vốn ưu đãi phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thích ứng với mọi biến đổi của thị trường.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB chia sẻ: "Nông nghiệp là thành tố quan trọng của kinh tế quốc gia và những người nông dân đang chiếm đại đa số dân cư. Nhưng thị trường tài chính cho nông nghiệp luôn là một lĩnh vực chứa nhiều rủi ro vì những yếu tố khách quan như "được mùa mất giá", dịch bệnh, thị trường… Mặc dù vậy, tôi không coi nông nghiệp ngành rủi ro vì quay vòng vốn nhanh, mức tăng trưởng hàng năm đâu đó đạt 2 con số. Theo đó, SCB đã đang và sẽ tiếp tục có nhiều sản phẩm ưu đãi tín dụng hấp dẫn dành cho hợp tác xã nông nghiệp, cho nông dân".
Cùng đồng hành với người nông dân còn có sự tham gia của Quỹ Khởi Nghiệp Xanh. Quỹ tổ chức thực hiện chương trình Love Farmers (Yêu thương nông dân) với nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức thu mua và tiêu thụ thanh long, giải quyết tình trạng thanh long ùn ứ, hỗ trợ các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân… Đặc biệt, Quỹ còn ký kết đặt hàng cho Lavifood để công ty nghiên cứu, phát triển và sản xuất riêng cho Quỹ những sản phẩm nông sản chất lượng cao, toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh các sản phẩm này sẽ được tái đầu tư cho các chương trình hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp Việt.
Bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội đồng Hội đồng quản lý Quỹ Khởi Nghiệp Xanh cho biết: "Từ những hoạt động mang tính thời điểm, ngắn hạn như thu mua, "giải cứu" thanh long cho đến những chương trình hành động dài hơi, chiến lược như hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp, thu hút tri thức trẻ khởi nghiệp nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con nông dân… chương trình Love Farmers hy vọng sẽ nhận được sự đồng hành của ngày càng nhiều hơn nữa của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức để chúng tôi có điều kiện kết nối đa dạng nguồn lực, đẩy mạnh hơn nữa những hành động cụ thể, thiết thực, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân và vị thế cao hơn cho nông sản Việt".
Hàng loạt các doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch và bảo vệ nhân viên, khách hàng, bạn có thể theo dõi trên mục Doanh nghiệp hành động trong chiến dịch Lá chắn virus Corona trên mạng xã hội Lotus tại đây