Mỗi năm, Lâm Đồng cung ứng ra thị trường khoảng 2 triệu tấn rau, 50% trong đó đưa về TP HCM tiêu thụ và chỉ khoảng 20% trong tổng số 2 triệu tấn đó có truy xuất được nguồn gốc và đạt chứng nhận rau an toàn. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rau Lâm Đồng còn gặp nhiều khó khăn.
Khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt. Ảnh: Báo Thanh niên
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết như vậy tại Hội thảo Các giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản thực phẩm sáng 9-12 tại TPHCM.
Theo ông Huỳnh Ngọc Hải, từ 2015 đã xây dựng thương hiệu rau, hoa của Lâm Đồng; đến 2020 Lâm Đồng sẽ là địa chỉ cung cấp rau, hoa cho Hàn Quốc, Nhật và một số thị trường Bắc Á.
Theo đó, rau, hoa của Đà Lạt sẽ được gắn logo thương hiệu Đà Lạt. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt càng phức tạp hơn vì tình trạng hàng nông sản Trung Quốc giả thương hiệu Đà Lạt.
Các thương lái thường chọn thời điểm hàng Đà Lạt hết mùa vụ nhập hàng Trung Quốc về, giả nguồn gốc Đà Lạt rồi đưa về TP HCM tiêu thụ. Việc làm giả xuất xứ này ngày càng tinh vi.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng bức xúc về việc nông sản Trung Quốc giả xuất xứ Đà Lạt ngày càng tinh vi
"Ví dụ mặt hàng khoai tây. Trước đây khoai tây Trung Quốc được đưa về Đà Lạt trộn đất đỏ rồi giả xuất xứ Đà Lạt khiến các cơ quan chức năng rất đau đầu, khó quản lý. Bây giờ khoai tây Trung Quốc chở từ biên giới phía Bắc về ghé Lâm Đồng, sang xe qua xe biển số Lâm Đồng rồi chở về các chợ đầu mối ở TP HCM, hợp thức hóa thành khoai tây Đà Lạt.
Mặt hàng rau cũng vậy. Mùa bông cải Đà lạt hết thì bông cải Trung Quốc được chở bằng máy bay về Đà Lạt bốc dỡ xuống xe biển số Đà Lạt chở về TP HCM. Chúng tôi chỉ đạo quản lý thị trường phối hợp quản lý địa phương kiểm soát vấn đề này rất khó khăn" – ông Huỳnh Ngọc Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, Lâm Đồng đã bỏ ra 500 triệu đồng thí điểm cho khoai tây Đà Lạt đóng gói 5kg vào túi lưới nhưng không ổn vì khi đưa về TP HCM tiêu thụ, người tiêu dùng không có nhu cầu mua số lượng lớn như vậy. Nếu đóng gói nhỏ hơn thì phát sinh thêm nhiều phi phí, khó bán hàng. " Việc kết nối cung cầu và truy xuất nguồn gốc thực phẩm là câu chuyện dài, cần tính tới các giải pháp căn cơ" – ông Hải đề xuất.