Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa cập nhật tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và lượng hàng hóa còn tồn tại ở các cửa khẩu.
Theo đó, cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) hiện vẫn còn tồn 365 xe nông sản như mít, thanh long, xoài, nhãn, ớt. Cửa khẩu Tân Thanh đang có 107 xe thanh long, dưa hấu chờ làm thủ tục xuất khẩu.
Tiến độ thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu vẫn còn chậm
Về số lượng hàng đang tồn ở cửa khẩu, tiến độ chậm, Cục Xuất nhập khẩu cho biết nguyên nhân một phần do hiện nay lực lượng bốc xếp hàng bên phía Trung Quốc rất ít bởi đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tại cửa khẩu Tân Thanh chưa khôi phục hình thức trao đổi cư dân biên giới.
"Qua nắm bắt từ các lái xe, trong số lượng xe đang tồn tại Tân Thanh, rất nhiều xe hàng chưa có Hợp đồng giao dịch mua bán"- đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Theo cơ quan hải quan tại cửa khẩu, khi làm thủ tục xuất khẩu bằng hình thức có hợp đồng mua bán, doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tên mặt hàng, chủng loại hàng hóa, thông tin về xe hàng, tên người khai báo.
Đồng thời, xuất trình các giấy tờ theo quy định về hợp đồng thương mại, hóa đơn, đảm bảo các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại dẫn đến thời gian kéo dài hơn.
Để thúc đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã trao đổi với phía Trung Quốc và thống nhất thông quan từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày, thay vì từ 8 giờ đến 17 giờ như trước đó.
Trong khi đó tại tỉnh Lào Cai, đang còn tồn 200 xe chờ làm thủ tục xuất hàng đi Trung Quốc tại các cửa khẩu.
Theo Bộ Công Thương, trước diễn biến phức tạp, khó lường và dự kiến dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài, các lô hàng nông sản và trái cây của Việt Nam, mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.