Nguy cơ bị lép vế
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết từ tháng 1/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc, khuyến khích xuất khẩu chính ngạch và dần hạn chế giao thương tiểu ngạch. Thời gian qua, lượng trái cây của Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm khoảng 70 - 80%, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Trung Quốc siết buôn bán tiểu ngạch, các loại nông sản của Việt Nam xuất sang thị trường này biến động mạnh.
Các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt chú trọng công tác truy xuất nguồn gốc
Theo ông Nguyên, tại các cửa khẩu phía Bắc, từ tháng 5/2021, 9 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu chính ngạch chưa được ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật với Trung Quốc bị kiểm soát ngặt hơn. Gần như 100% lô hàng đều bị kiểm tra, khiến việc giao hàng bị kéo dài, ùn ứ. Ngoài ra, việc vận chuyển hàng từ các tỉnh phía Nam qua nhiều chốt kiểm tra, tài xế phải xét nghiệm liên tục làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
“Trước đây, 1 xe lạnh chở thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) chỉ mất 2-3 ngày, nay kéo dài hơn 1 tuần khiến chi phí vận chuyển tăng cao gấp đôi (từ 50 triệu đồng/xe tăng lên hơn 100 triệu đồng). Chi phí tăng khiến giá thành hàng hóa khó cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc và của các nước khác ”, ông Nguyên nói.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, với giá trị đạt trên 6 tỷ USD, chiếm 18,6% thị phần (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Hiện, Việt Nam là một trong bốn nước xuất khẩu trái cây lớn nhất vào thị trường này sau Thái Lan, Chi-lê và Philippines. Tuy nhiên, ông Phú cảnh báo, nông sản Việt Nam xuất sang thị trường này không còn dễ như trước.
Theo ông Phú, nông dân Trung Quốc đang bắt đầu tăng diện tích trồng thanh long ruột đỏ, nhãn, xoài… Đây cũng là những sản phẩm được xem là chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đang đầu tư trồng các loại cây nói trên tại Thái Lan, Campuchia, Lào… với chất lượng và mẫu mã đẹp.
“Trái cây Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với cả doanh nghiệp nội địa Trung Quốc. Sản phẩm của họ càng ngày càng được cải tiến chất lượng hạ giá thành. Nếu sản xuất nông sản Việt vẫn duy trì thói quen manh mún, thiếu chuyên nghiệp, sẽ khó giữ được thị phần”, ông Phú cho hay.
Cần chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, để xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc, các lô hàng phải đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật như thu hoạch và đóng gói tại những vườn trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; được cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu.
“Các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này do Cục Bảo vệ thực vật cấp và gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trên cơ sở đó, đơn vị này sẽ rà soát và xác nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu. Thời gian qua, Cục nhận nhiều cảnh báo từ phía Trung Quốc, một số lô hàng xuất sang thị trường này không đúng mã số mà Cục gửi sang. Ngoài ra, cơ quan chức năng nước này phát hiện nhiều lô hàng nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là nhóm thuốc chống rệp sáp và sâu đục quả”, ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, hiện một số loại trái cây xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc đều có nguy cơ nhiễm các loại sâu bệnh này, nên các địa phương, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng. Các lô hàng cần được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo không bị nhiễm sâu bệnh, các loại côn trùng gây hại còn sống, đặc biệt không mang theo đất, phủ rơm rạ… để xuất sang thị trường này như thời gian qua.
"Trái cây Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với cả doanh nghiệp nội địa Trung Quốc. Sản phẩm của họ càng ngày càng được cải tiến chất lượng hạ giá thành. Nếu sản xuất nông sản Việt vẫn duy trì thói quen manh mún, thiếu chuyên nghiệp, sẽ khó giữ được thị phần", ông Phú cho hay.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng cao, Bộ NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch, và chỉ đạo các địa phương cần tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.
Trước mắt, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương có vùng trồng trọng điểm phối hợp với các tỉnh biên giới gần Trung Quốc điều tiết hợp lý lượng hàng hóa khi vào mùa vụ thu hoạch đưa lên các cửa khẩu, nhằm tránh ùn ứ, bị ép giá, hư hỏng hàng hóa, đặc biệt là nhóm trái cây mùa vụ, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương bổ sung các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến vào nội dung các cuộc đàm phán lãnh đạo cấp cao giữa hai nước để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Liên bộ cũng đồng thời đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc duy trì công nhận các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở bao gói, chế biến nông sản, thủy sản đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu sau thời điểm Lệnh 248, Lệnh 249 của phía Trung Quốc về quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của nước này có hiệu lực.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) vừa có công văn gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng , Bộ Công Thương, Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Móng Cái về việc quy định xét nghiệm COVID-19 với lái xe vận chuyển hàng qua cửa khẩu Móng Cái.
Theo VLA, quy định xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc thì lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều, tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và lái xe.Thục Quyên