Đến hẹn lại lên, càng gần Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới càng diễn ra nhộn nhịp.
"Hét giá" đổi tiền
Dù còn hơn tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhưng thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới lì xì tết đã trở nên sôi động. Chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền lẻ" trên các công cụ tìm kiếm, hàng chục website cung cấp dịch vụ này sẽ hiện ra. Những website với tên gọi na ná nhau như "Dịch vụ đổi tiền", "Đổi tiền Tết" hay "Đổi tiền giá rẻ",... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân trong khoảng thời gian cao điểm cận Tết Nguyên đán.
Dịch vụ đổi tiền thường bắt đầu tăng từ tháng 11, 12 đến qua tháng 2 năm sau bởi nhu cầu tiền lẻ vào những tháng cuối năm cao. Đó là chưa kể người dân mua bán nhộn nhịp hơn nên cần lượng tiền lẻ trong lưu thông. Các lễ hội cuối năm cũng thu hút lớn lượng tiền lẻ để lì xì, đi chùa, làm quà tặng…
Phí đổi tiền mới hiện đang ở mức cao hơn đầu năm 2021 từ 1 - 5% tùy mệnh giá tiền. Theo báo Thanh Niên, cửa hàng làm dịch vụ đổi tiền lâu năm trên địa bàn Q.10, TP.HCM công bố phí đổi tiền mới năm 2022 loại mệnh giá 1.000 đồng là 15% (1 xấp 100 tờ trị giá 100.000 đồng mất phí 15.000 đồng); loại tiền mệnh giá 2.000 - 5.000 đồng phí 10%; 10.000, 20.000 đồng phí 8%; 50.000 đồng phí 7%; 100.000 đồng phí 4%; 200.000 đồng phí 3%.
Theo lời quảng cáo của cửa hàng, mức phí đổi tiền sẽ cực thấp khi khối lượng đổi từ vài trăm triệu đồng trở lên, hoặc trở thành đại lý đổi tiền mới.
Tuy nhiên, với tờ tiền cotton mệnh giá 500 đồng thì mức giá đổi lại rất cao. Do quan niệm màu đỏ là màu của may mắn nên với 100 tờ 500 đồng, tổng số tiền phải trả là 300.000 đồng (phí 250%). Mức phí được cho là đã giảm so với những năm trước, nếu như cách đây khoảng ba năm mức phí là 300%, trong năm 2020 giảm còn 270% và hiện đang tiếp tục giảm còn 250%.
Các tờ tiền cotton mệnh giá khác cũng được rao với giá khá cao như tờ 10.000 đồng có giá 80.000 đồng/tờ, loại 100 đồng có giá 50.000 đồng/tờ...
Nhân viên cửa hàng Dịch Vụ Đổi Tiền (đường Đồng Nai, Q.Tân Bình, TPHCM) cho biết trên Phụ Nữ TP.HCM, tiền mới có mệnh giá nhỏ thường được mua để bó hoa, làm vật trang trí trên cây cảnh hoặc thiết kế thành cây tiền tài lộc (loại cây được làm từ 100% tiền) chứ không còn mua để đi chùa nữa.
Theo chủ các cửa hàng này, họ thường phải đổi với số lượng lớn từ đầu mối cung cấp để có mức phí thấp, nếu kinh doanh không hết thì để sang năm sau kinh doanh tiếp. Do phí đổi từ các năm trước cao nên các cửa hàng vẫn giữ phí cao dù nhu cầu đổi của khách đã yếu hẳn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Kể từ năm 2013 đến nay, để tiết kiệm ngân sách, NHNNVN không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp tết Nguyên đán. Tính đến năm 2020, tổng ngân sách tiết kiệm được là 3.500 tỷ đồng. NHNNVN cam kết vẫn cung ứng tiền lẻ qua lưu thông để phục vụ nền kinh tế. Nếu người dân có tài khoản ở ngân hàng nào thì nên đến đổi tiền mới ở ngân hàng đó để không tốn phí; số tiền đổi được nhiều hay ít phụ thuộc vào từng ngân hàng.
Không những tiền Việt mà một số loại ngoại tệ mới cũng được đổi với giá cao hơn giá trị tờ tiền. Tiền 2 USD tính theo tỷ giá ngân hàng vào khoảng 46.000 đồng/tờ nhưng các điểm thu đổi rao giá 52.000 - 55.000 đồng/tờ. Riêng những tờ 2 USD đặc biệt có giá đắt hơn như loại 2 USD phát hành năm 1976 có giá 300.000 đồng/tờ, năm 1963 giá 350.000 đồng/tờ, năm 1953 là 400.000 đồng/tờ, còn năm 1928 lên đến 900.000 đồng/tờ. Ngoài ra, loại tiền 1 USD cũng được khách hàng mua tặng bạn bè, người thân làm kỷ niệm, với giá lên đến 30.000 đồng/tờ.
Cẩn trọng dính "bẫy" khi đổi tiền lì xì qua mạng
Trước nhu cầu đổi tiền mới dịp cuối năm của nguời dân tăng cao nên một số người đã kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng phần trăm chêch lệch. Thậm chí, có một số đối tượng còn đi lừa đảo dựa vào chiêu thức đổi tiền dịp tết.
Người dân đi đổi tiền dịp này có thể đối mặt với hàng loạt rủi ro như bị đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả.
Thường thì đổi tiền xong chúng ta cũng không kiểm tra được hết bởi những đối tượng đổi tiền chỉ biết trên mạng, thậm chí không có tổ chức, trụ sở rõ ràng. Bởi vậy, khi đổi trúng tiền giả thì chúng ta còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có.
Liên quan đến hoạt động thu đổi tiền để hưởng chênh lệch, các chuyên gia pháp lý cho biết, những hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi như trên là vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 25/2013 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này đã quy định rõ: "Chỉ có Ngân hàng Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng; chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài; Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân".
Như vậy, những hành vi hưởng chênh lệch khi đổi tiền sẽ bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 88/2019. Theo đó, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân nào có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)