6 tháng đầu năm 2022, việc giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Ninh đạt 37% kế hoạch năm, không đạt mục tiêu đề ra. Qua thống kê, cả 6 năm gần đây, chưa năm nào Quảng Ninh đạt 50% kế hoạch vốn trong 6 tháng đầu năm. Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh không chỉ yêu cầu Sở KH&ĐT chỉ rõ nguyên nhân mà còn chất vấn trách nhiệm của các ngành liên quan trong chất lượng công tác lập kế hoạch đầu tư công, kiểm soát tiến độ bố trí vốn, giải phóng mặt bằng…
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, bên cạnh tác động khách quan từ biến động giá cả, dịch bệnh, nhân công... thì nguyên nhân chủ quan đến từ chính các chủ đầu tư. Việc chủ quan, bị động trong công tác chuẩn bị đầu tư dẫn đến một số dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng; chậm tổ chức thẩm định tại hiện trường; chậm hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán…
Đề cập đến giải pháp, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022: Cần phải gắn trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là các chủ đầu tư khi được cấp có thẩm quyền giao tổ chức quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách. Về phía các địa phương thì cần quan tâm công tác bàn giao mặt bằng. Có rất nhiều dự án đội vốn lên rất nhiều, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư vì lập dự toán bồi thường giải phóng mặt bằng chưa chính xác. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người, phải củng cố lại các tổ chức, ban quản lý dự án chuyên ngành kể cả cấp tỉnh, cấp huyện để làm tốt hơn công tác triển khai thực hiện đầu tư.
Bên cạnh đó, việc giải ngân kinh phí chi thường xuyên của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm cũng có sự chậm trễ. Với hơn 4,3 nghìn tỷ đồng đã giải ngân, tỉnh chỉ đạt 35% dự toán. Vấn đề mua sắm vật tư, trang thiết trong các cơ sở y tế, triển khai mua sắm sách giáo khoa và trang thiết bị cho giáo dục lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới… chưa đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành và chủ đầu tư, siết chặt kỷ luật, kỷ cương để hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công 100% trong năm 2022. Thông qua rà soát lại, Quảng Ninh sẽ cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư công; xử lý nghiêm các chủ đầu tư và cơ quan quản lý cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, triển khai dự án. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời thay thế các nhà thầu không đủ năng lực, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công, nghiệm thu. Việc nâng tỷ lệ giải ngân phải đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình, gắn với phòng, chống tiêu cực, lãng phí; coi đây là giải pháp quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội, sự chuẩn bị cho tăng trưởng trong dài hạn tại địa phương.
Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu rà soát tổng thể nguồn kinh phí đã bố trí trong dự toán chi kế hoạch năm 2022 đối với khoản chi thường xuyên, đảm bảo đạt tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu. Những năm qua, Quảng Ninh luôn rà soát để cắt giảm các khoản chi không cần thiết, chưa cấp bách để chi cho đầu tư phát triển trên 50%/năm, ban hành nhiều Nghị quyết riêng để nâng mức phúc lợi và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với người dân vùng cao, hải đảo. Để đáp ứng những yêu cầu mới hiện nay, đặc biệt với lĩnh vực giáo dục, y tế, các ngành cần có đánh giá tổng thể, từ đó Quảng Ninh sẽ vận dụng các quy định của pháp luật và các cơ chế đã từng điều hành thành công thời gian qua để sớm giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định: "Riêng trong lĩnh vực y tế không để tình trạng thiếu vật tư thuốc men nhưng cũng không để nảy sinh tiêu cực. Việc dạy và học không để tình trạng 'dạy chay, học chay', thiếu trang thiết bị cần thiết cho đổi mới giáo dục. Đây là những vấn đề gắn liền với chống lãng phí trong đầu tư, sau mua sắm là phải phát huy hiệu quả, để người dân, người học, người bệnh tại Quảng Ninh được thụ hưởng thật"./.