Bộ "lắc đầu", tỉnh tiếp tục đề xuất
Trong báo cáo gửi Thủ tướng về việc lập hãng hàng không vận tải hàng hoá IPP Air Cargo ngày 13-7, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay (bao gồm cả việc thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa).
Một chuyến bay chở hàng đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) hôm 10-7. Ảnh: UNICEF
Bộ GTVT giải thích đây là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trước mắt, cần tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022).
Ngày hôm sau 14-7, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT về chủ trương thành lập IPP Air Cargo. Theo đó, trong Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã xác định 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố để phát triển kinh tế là cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.
UBND TP Đà Nẵng đánh giá việc Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch) đề xuất thành lập Hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và Trung tâm điều hành hoạt động bay của IPP Air Cargo tại TP Đà Nẵng rất phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
Do đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT ủng hộ và sớm có ý kiến đề xuất Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương thành lập Hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo tại Đà Nẵng.
Hiện Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa. Ngoài các hãng nội địa, thị trường vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không quốc tế đến từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ. "Thị phần" của hàng không trong nước chỉ chiếm khoảng 12%, còn lại 88% thuộc về hãng hàng không nước ngoài. Các hãng Air Cargo quốc tế như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo đang là những "tay chơi" nặng ký mà doanh nghiệp Việt Nam khó có thể địch nổi.
Không nên chậm trễ
Trên thế giới, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng hàng không tăng mạnh, giá cước cũng tăng "phi mã", gấp 2-4 lần so với trước dịch bệnh do thiếu máy bay vận chuyển hàng hóa…
Nếu như trước dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam không mặn mà gì với việc vận chuyển hàng hóa thì khi dịch bệnh khiến các hãng suy kiệt, vận tải hàng hóa lại trở thành một "cứu cánh" để bù đắp doanh thu. Cục Hàng không Việt Nam cho biết các hãng Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines đều đang triển khai thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách, nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa và có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19.
Kết quả vận chuyển chở hàng của các hãng hàng không Việt Nam - Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu từ vận tải hàng không của các hãng hàng không giai đoạn trong dịch đều tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch (tính trong 1 năm, từ 6-2020 đến 5-2021).
Tính đến 28-6-2021, các hãng hàng không đã hoán đổi 9 máy bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP HCM), cho rằng việc các máy bay tháo ghế để chuyển hàng hoá chỉ là nhất thời, việc tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển hàng hóa khó hiệu quả về lâu dài bởi không có thiết kế phù hợp, không đúng quy định bảo hiểm nên chỉ vận chuyển ở mức rất hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu vận tải hàng không tăng cao trong dịch và được dự báo sẽ tiếp tục tăng vào thời điểm phục hồi kinh tế sau dịch.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng nguồn cung vận tải hàng hóa Việt Nam còn quá thấp, đang để cho các hãng quốc tế chiếm thị phần. Việc hạn chế một hãng hàng không vận tải của Việt Nam là sai lầm, tạo điều kiện cho các hãng hàng không ngoại chiếm lĩnh thị phần hơn nữa.
Theo chuyên gia này, dù cơ quan quản lý có chấp nhận thành lập IPP Air Cargo thì hãng hàng không này cũng cần rất nhiều thủ tục để có thể cất cánh, nhanh nhất cũng phải đến năm 2022 mới bắt đầu hoạt động được.
Dịch bệnh Covid-19 khiến như cầu vận tải hàng hóa hàng không tăng lên, cung ít hơn cầu. "Theo tôi cả Vietnam Airlines và IPP Air Cargo khi xin phép lập hãng hàng không vận tải hàng hóa, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện. Việc không đồng ý thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa sẽ tạo ra sự chậm trễ không cần thiết, để bỏ ngỏ thị trường vận tải hàng hóa hàng không cho các hãng vận tải quốc tế"- PGS-TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Tống, cần phải nhanh chóng phát triển hệ thống logistic trong nước và kết nối đường bay nội địa với đường bay quốc tế, kết nối hàng không và đường bộ, đường sắt. Việc này rất cần thiết và cấp thiết, còn nếu chỉ chờ đợi dịch qua thì sẽ không kịp.
Một chuyên gia hàng không khác cũng cho rằng trong điều kiện cước vận tải hàng hóa hàng không tăng chóng mặt hiện nay, việc xuất hiện thêm một hãng hàng không chở hàng là một dấu hiệu tích cực, tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam và không loại trừ có thể kéo giá vận tải hàng không quốc tế đến Việt Nam về mức hợp lý hơn.
Nhiều hãng muốn lập hãng hàng không chở hàng
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết hãng đang xây đề án và hoàn thiện đề án thành lập hãng hàng không hàng hóa ngay sau dịch bệnh Covid-19. Vietnam Airlines đã có 4 năm nghiên cứu nhằm khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt nhưng chưa hiệu quả. Việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn (gồm đội máy bay, mạng bay) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Trong dịch Covid-19, hãng đã sử dụng máy bay chở khách để chở hàng, doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh. Hiện Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng.
Trong khi đó, Bamboo cũng đang có kế hoạch phát triển Bamboo Airways Cargo, đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc). Còn Vietjet đã chính thức phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa, là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách, "bắt tay" công ty chuyển phát nhanh toàn cầu UPS vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam, Thái Lan và các nước lân cận về Hà Nội rồi vận chuyển đến Mỹ trên các chuyến bay hàng tuần thông qua cửa ngõ Incheon, Hàn Quốc; hợp tác kinh doanh vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và Mỹ…