Các cơ quan của Bộ Tài chính cho biết, trong số mấy chục doanh nghiệp là đối tác của Asanzo thì có khả năng một số doanh nghiệp có người đứng đầu chính là nhân viên của Tập đoàn Asanzo, được dựng lên nhằm mục đích trốn thuế.
Sáng 28/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ, ngành chức năng để hoàn thiện báo cáo về vụ việc Công ty CP tập đoàn Asanzo.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, đến nay đã xác định được dấu hiệu vi phạm liên quan đến hoạt động của Công ty CP Asanzo.
Cụ thể là dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hóa. Theo kết quả kiểm tra của lực lượng hải quan, Công ty CP đầu tư công nghệ điện tử Asanzo mở 3 tờ khai xuất khẩu 661 ti vi mang thương hiệu Asanzo sang Nhật Bản gồm cả các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa và khai báo xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng có đến 98% giá trị của mặt hàng ti vi xuất khẩu sang Nhật Bản từ linh kiện nhập khẩu của Trung Quốc (do Công ty mua lại từ nhiều đối tác), chỉ khoảng 2% đến từ quá trình lắp ráp trong nước.
Đối chiếu với quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP, mặt hàng ti vi xuất khẩu mang thương hiệu Asanzo nêu trên không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.
"Dây chuyền lắp ráp chỉ có 12 dãy bàn với chiều dài khoảng 30m, rộng 1,5m (diện tích 45m2) mỗi bàn để vừa 1 ti vi 50 inch, 1 phòng test bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc. Việc lắp ráp được thực hiện thủ công băng cách lắp vít, không lắp cấu hình chính", lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết.
Đáng chú ý, "dây chuyền" này được Công ty Asanzo sử dụng và lắp ráp ti vi, vừa lắp ráp điều hòa nhiệt độ. Trong đó, việc hoàn chỉnh lắp ráp 1 chiếc ti vi khoảng 25 phút với 12 người thực hiện và 30 người phụ trợ…
Bên cạnh dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hoá, đại diện Tổng cục Thuế nhận định, Asanzo có còn hành vi trốn thuế, được thể hiện ở việc không xuất hoá đơn VAT, mua linh kiện thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt nhưng kê khai là mua thành phẩm điều hoà nhiệt độ - mặt hàng không thuộc diện chịu thuế.
Theo đó, dựa vào sổ sách, công ty con xuất bán cho Asanzo mặt hàng điều hoà nhiệt độ, nhưng không xuất hoá đơn VAT và Asanzo cũng không kê khai VAT.
Thứ hai là hành vi sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, trong đó ghi thành phẩm điều hoà nhưng Asanzo nhập là linh kiện.
Vi phạm thứ 3 là ghi hoá đơn cao hơn với mục đích trốn thuế.
Đáng chú ý, đi diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, có nhiều công ty có quan hệ với Asanzo đều do người của Asanzo đứng tên.
"Các lãnh đạo đều là nhân viên của Asanzo, sau đó hoá đơn được lập cao hơn giá thực tế nhằm trốn nghĩa vụ thuế", đại diện Tổng cục Thuế nhận định.
Song song với đó, qua xác minh tài khoản ngân hàng, tiền trong các giao dịch được chuyển thẳng người nhà lãnh đạo Asanzo.
Hiện số tiền rút ra hơn 500 tỷ đồng, hiện các công ty này không còn ở địa chỉ kê khai ở cơ quan thuế, do đó cơ quan thuế không thể xác minh thêm và hiện đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan của Bộ Công an.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, đến nay VCCI chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận xuất xứ của Asanzo và dữ liệu của tổ chức này cũng cho thấy chưa cấp chứng nhận xuất xứ cho Asazo.
Trong khi đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thêm, việc cấp Giấy chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao" cho tập đoàn Asanzo là trách nhiệm của Hội doanh nghiệp chất lượng cao Tp HCM chứ không phải của Bộ Công thương.
Vị này cho rằng, căn cứ kết quả kiểm tra, điều tra của Tổng cục Hải quan đưa ra tại cuộc họp, rõ ràng Công ty Asanzo có vi phạm về quy định gia công, chế biến đơn giản (quy định tại Nghị định 31), nên hàng hóa có thể coi là không có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, Tổng cục Hải quan đã đề nghị các bộ ngành có liên quan chưa gửi ý kiến về cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính phải nhanh chóng gửi về trong ngày hôm nay và ngày mai để Tổng cục Hải quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.