Đêm 23/7/2018, tại tỉnh Attapeu (Lào) đã xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện gây thiệt hại lớn về người và vật chất. Được biết, HAGL là doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Attapeu với hàng chục ngàn ha cao su (hầu hết là cây đã trưởng thành) và sân bay 800 tỷ đồng.
Ngay sau sự cố, HAGL đã thành lập đội cứu nạn gồm 10 bác sỹ, y sỹ, y tá với đủ thuốc men phối hợp cùng đoàn cứu trợ của chính phủ Lào để trợ cứu. Theo ghi nhận, HAGL bước đầu hỗ trợ 50 tấn gạo, 100.000 gói mì tôm, 5 tấn cá khô, 2.000 bộ quần áo, 100 túi bảo quản tử thi.
Thống kê sơ bộ sau sự cố, bên cạnh việc không có tổn thất về người, HAGL cũng khẳng định thiệt hại về hoạt động đầu tư và kinh doanh của dự án là không đáng kể. Hiện, HAGL đang sở hữu 2 công ty con tại Lào là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (thành lập tháng 7/2011), Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 (thành lập tháng 5/2013) với tỷ lệ sở hữu đều trên 99%. Gần đây nhất, cuối tháng 1/2018, HĐQT HAGL tiếp tục góp 49.5 tỷ đồng thành lập công ty thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn (TDSG) cùng với các đối tác khác tại Lào.
Sự cố vỡ đập xảy ra trong bối cảnh HAGL đang gây chú ý dư luận, liên quan đến tin đồn được một "đại gia" rót vốn, mã HAG trên thị trường phi thẳng từ mốc dưới 5.000 lên hơn 7.000 đồng/cp, lượng giao dịch cũng đột biến. Trước thông tin vỡ đập, cổ phiếu HAG vẫn tăng song với tốc độ suy giảm, nếu những phiên trước đó kịch trần với mức tăng gần 7%/phiên, thì hôm 25/7 thị giá giảm tốc độ về mức 0,6%.
Đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018, HAGL kỳ vọng doanh thu đạt 6.217 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 2.766 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó chú trọng mảng cây ăn trái. Dự kiến trong năm 2018 mảng này mang lại khoảng 3.982 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng 64% trong cơ cấu doanh thu của công ty. Riêng về mảng thủy điện, trong giai đoạn khủng hoảng năm 2013-2016, HAGL đã phải lần lượt bán các dự án thủy điện để giảm nợ vay và tái cấu trúc lại hoạt động.