Bắt đầu từ 13/3, người dân trên cả nước nếu vi phạm giao thông tại các địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận có thể nộp phạt trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Theo đó, sau khi nhận quyết định xử phạt, người vi phạm giao thông các địa phương kể trên chỉ mất khoảng 3 phút để truy nhập vào Cổng DVCQG nộp phạt và lựa chọn đăng ký nhận kết quả tại nhà qua Bưu điện.
Tài xế ủng hộ nộp phạt trực tuyến
Trao đổi với Dân Việt, anh Đoàn Quốc Hùng (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội), cho biết rất ủng hộ việc này bởi cách xử lý hiện tại rất bất tiện, khó khăn cho người vi phạm trong trường hợp vi phạm ở các tỉnh xa.
"Công việc của tôi là lái xe công nghệ, có những lúc tôi chở khách đi tỉnh bị lập biên bản xử phạt, tôi phải sắp xếp thời gian hoặc đợi đến hạn trả giấy tờ xuống dưới đó lấy quyết định xử phạt, đóng phạt ở kho bạc rồi mới lấy lại được giấy. Như vậy rất mất thời gian, bất tiện và vất vả", anh Hùng nói.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), cũng cho rằng trước nay, việc đi đóng phạt vi phạm giao thông để lấy lại giấy tờ khiến lái xe, chủ xe rất ngán ngẩm vì các thủ tục qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian. Khổ nhất là khi xe bị vi phạm ở các tỉnh, thành khác.
Việc CSGT cho đóng phạt online sẽ giúp người vi phạm cũng như chủ phương tiện chủ động xử lý vi phạm, những quy định rườm rà như trước đây sẽ được thay thế bằng một vài thao tác trên máy tính. Người đóng phạt có thể ngồi nhà thực hiện dễ dàng mà không phải đi lại, không lo phát sinh thêm các chi phí khác như: gửi xe, có thể nhờ "cò", đổ xăng…
"Hồi tháng 2, tôi có việc phải chạy xe về quê đón tết thì bị phạt nguội ở Hà Tĩnh. Vừa qua, tôi nhận được thông báo về việc vi phạm, nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện tại, người dân ở Thủ Đô cũng hạn chế di chuyển về những địa phương khác thì việc nộp phạt trực tuyến sẽ thuận lợi, nhanh chóng và an toàn hơn cho tôi", anh Cảnh cho hay.
Nhìn nhận dưới một gốc độ khác, anh Nguyễn Văn Thái (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết trước đây, trong một số trường hợp bị vi phạm chủ phương tiện phải thông qua "cò" mới có thể giải quyết được. Cụ thể, người vi phạm sẽ đưa giấy phạt cùng với tiền để cò đi nộp phạt và lấy giấy tờ xe về. Tuy nhiên, ngoài số tiền nộp phạt thì tài xế cũng phải mất thêm chi phí cho những đối tượng này.
"Nộp phạt trực tuyến có thể giải quyết vi phạm nhanh, đơn giản mà cũng đỡ phiền, đỡ tốn kém", anh Thái nói.
Qua khảo sát của Dân Việt với tài xế, chủ phương tiện, đa số mọi người đều ủng hộ với hình thức nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều tài xế đề nghị Cục cảnh sát giao thông cũng như truyền thông đưa thông tin rộng rãi, có các chương trình giới thiệu, quảng bá kỹ để nhiều người tiếp cận hơn với dịch vụ.
Hạn chế mãi lộ, tiêu cực
Theo Gs-Ts. Nguyễn Hữu Đức, mới đầu việc triển khai nộp phạt trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia có thể chưa lường trước được những tình huống phát sinh. Ví dụ như những hình ảnh thời điểm vi phạm, vận tốc vi phạm… phải thật sự rõ nét để người bị phạt chấp hành nộp phạt tại những trường hợp phạt nguội.
Một điểm đáng lưu ý về mặt tích cực của việc nộp phạt trực tuyến mà ông Đức đánh giá rất cao, đó chính là việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người vi phạm và cảnh sát, đây là một ưu thế trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng hiện tại.
"Tôi cho rằng, việc áp dụng nộp phạt trực tuyến đối với vi phạm giao thông sẽ giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, nhũng nhiễu và tăng cường xử lý thủ tục hành chính tập trung", ông Đức nhấn mạnh.
Chia sẻ với báo chí, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định nộp phạt trực tuyến sẽ hạn chế tiêu cực trong xử phạt vi phạm giao thông. Việc kết hợp giữa thanh toán qua tài khoản với việc xử phạt vắng mặt, dán biên bản xử phạt lên kính xe làm tăng minh bạch trong quá trình xử phạt vi phạm.
Nếu áp dụng triệt để việc nộp phạt trực tuyến qua Cổng DVCQG, tăng xử phạt nguội, dán biên bản lên kính phương tiện vi phạm sẽ tác động rất nhiều đến ý thức, kỷ luật của người tham gia giao thông. Sẽ loại bỏ tâm lý thỏa thuận, xin xỏ của người đi đường khi xảy ra vi phạm. Vì vậy buộc người đi đường phải chấp hành tốt hơn các quy định pháp luật.
Hiện nay, người đi đường thường có tâm lý chấp hành khi nhìn thấy CSGT, hoặc các điểm có chốt giao thông nhưng việc tăng cường phạt nguội, yêu cầu nộp phạt trực tuyến qua Cổng DVCQG sẽ cải thiện rất nhiều ý thức tham gia giao thông trên mọi cung đường. Vấn đề là phải quyết tâm thực hiện nghiêm và tăng dần tỉ lệ nộp phạt bằng tài khoản, đi đôi với giảm tỉ lệ nộp phạt trực tiếp bằng tiền mặt để hạn chế tiêu cực.
Trước đó, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cũng cho biết, người bị xử phạt sẽ tiết kiệm được ít nhất 1,5 ngày làm việc để thực hiện công đoạn từ nhận quyết định xử phạt, đi nộp phạt đến nhận giấy tờ, phương tiện, tương ứng với khoảng 4 triệu trường hợp vi phạm lập biên bản được lập trong 1 năm.
Từ đó, sẽ tiết kiệm được khoảng 6 triệu ngày công và hơn 1.300 tỷ đồng/năm (tính theo thu nhập bình quân đầu người năm 2018 khoảng 220.000 đồng/ngày làm việc).