Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu vừa diễn ra ở Hà Nội, công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số - FPT Retail (FRT) đã có những chia sẻ hết sức thiết thực liên quan tới chiến lược phát triển, cũng như định hướng trong 3 năm tới của công ty.
Tại đây, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch FPT Retail cho biết về ngành nghề mới mà công ty đang hướng tới, ngoài FPT Shop và F.Studio (chuyên bán sản phẩm của Apple).
Cụ thể, từ tháng 1/2017, công ty đã mua bán và sáp nhập (M&A) một vài cửa hàng ở ngành nghề mới và đã xong giai đoạn viết phần mềm bảo trì. FPT Retail cũng đã mở thêm 1 - 2 cửa hàng của ngành nghề trên.
- Từ đầu năm đến nay, FPT Retail mới mở ra thêm gần 80 điểm bán mới. Con số này chỉ bằng 2/3 so với năm ngoái và cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần bão hòa. Vậy tại sao trong kế hoạch gửi tới cổ đông, FPT Retail vẫn đặt mục tiêu mở mới thêm 100 cửa hàng mỗi năm trong 2 năm tới? Động lực để mở 100 cửa hàng mới mỗi năm sẽ xuất phát từ đâu?
Tôi cho rằng, việc mở nhiều shop hay ít shop trong năm 2017 không đồng nghĩa với việc thị trường bão hoà hay không, mà còn tuỳ thuộc vào cơ hội tìm được mặt bằng đủ đẹp, giá đủ tốt ở các vị trí mục tiêu. Hiện các vị trí mục tiêu tiềm năng vẫn còn, do đó, FPT Retail sẽ tập trung tìm kiếm mặt bằng phù hợp ở các mục tiêu này, để tiếp tục triển khai mở thêm shop theo kế hoạch đề ra.
- Tập đoàn FPT sau khi thoái bớt cổ phần tại FPT Retail chắc chắn sẽ thu về một khoản tiền lớn. Khoản tiền này có được trích lại để tăng cường hoạt động đầu tư cho FPT Retail không? Nếu có, FPT Retail dự tính bổ sung nguồn lực vào đâu?
Việc sử dụng khoản tiền thu về từ bán cổ phần của FRT và FTG tuỳ thuộc vào chủ đích của tập đoàn, cho các mục tiêu chiến lược của tập đoàn.
Chắc chắn một phần của khoản tiền này sẽ được tái đầu tư vào FRT cho các chiến lược mở rộng trong tương lai: Vốn cho chương trình FFriends, cho mở shop mới, cho chuỗi F. Studio, cho ngành nghề kinh doanh mới.
- Để duy trì tăng trưởng, FPT Retail có đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận dựa vào quy mô đàm phán với các nhà cung cấp và thay đổi tỉ trọng ngành hàng. Cụ thể, việc thay đổi tỉ trọng ngành hàng sẽ là như thế nào? FPT Retail sẽ chỉ chú trọng vào việc bán mặt hàng cao cấp có margin cao và bỏ qua các mặt hàng thấp cấp?
Việc thay đổi tỉ trọng ngành hàng là để tập trung mạnh hơn vào các ngành hàng, nhãn hàng có lợi nhuận cao, tăng tỉ trọng đóng góp doanh thu của các ngành hàng này lên.
Ví dụ phụ kiện là ngành hàng có tỉ trọng lợi nhuận cao, gia tăng bán thêm nhiều phụ kiện kèm với sản phẩm chính cũng là 1 trong các cách tăng lợi nhuận rất hiệu quả. Do đó, theo tôi FRT không nhất thiết phải bỏ qua bất kỳ ngành hàng nào hoặc nhóm sản phẩm nào.
- F-Friends là một hướng đi mới khá thú vị của FPT Retail. Chị có thể lý giải cụ thể hơn là F-Friend do FPT Shop liên kết trực tiếp với ngân hàng để thực hiện hay qua các công ty cho vay tín dụng? Nếu làm trực tiếp với ngân hàng, có thể phát sinh nợ xấu – vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong vay tiêu dùng. FPT Retail sẽ quản lý vấn đề này như thế nào?
FRT liên kết với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ trả chậm cho khách hàng. Đương nhiên quá trình triển khai sẽ có phát sinh nợ xấu, tuy nhiên FRT ngoài việc dự phòng rủi ro nợ xấu sẵn, còn triển khai nhiều phương pháp để quản lý nợ xấu như xác định loại hợp đồng lao động của đối tượng tham gia chương trình, hoặc sử dụng phần mềm khoá máy trong trường hợp khách cố tình không thanh toán…
- Tốc độ tăng trưởng doanh thu, cũng như biên lãi gộp của FPT Retail thấp hơn nhiều so với đối thủ cùng ngành là TGDĐ. Chị có cách nào cải thiện tình hình này?
Câu trả lời của việc cải thiện này là quy mô, mở rộng thêm nhiều ngành nghề mới. Tuy nhiên, FRT sẽ tập trung vào tốc độ tăng trưởng hàng năm cả vê doanh thu, lợi nhuận của chính mình.
- Một trong những chiến lược được FPT Retail đẩy mạnh trong thời gian tới là mở rộng F.Studio chuyên doanh các sản phẩm của Apple. Vậy chiến lược này sẽ tác động ra sao tới doanh thu, lợi nhuận của công ty?
F.Studio sẽ là 1 chuỗi mới và độc lập với chuỗi hiện tại, vì vậy doanh thu, lợi nhuận từ chuỗi này sẽ kỳ vọng đóng góp thêm 30% doanh thu trong vòng 5 năm tới.
- FPT Retail nhấn mạnh tới việc mở chuỗi kinh doanh sản phẩm mới để tăng tốc tăng trưởng. Mặc dù vậy, quá trình này đã được chuẩn bị hơn một năm nay nhưng vẫn chưa có bước tiến chính thức nào. Chị có lo ngại rằng FPT Retail sẽ chậm chân?
Việc chưa công bố với việc chuẩn bị chuỗi mới là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi chưa công bố không có nghĩa là chưa làm gì, mà muốn một khi công bố thì chuỗi mới đã phải có một lượng doanh thu, lợi nhuận đóng góp tương đối vào công ty chung.
Hiện tại, cá nhân tôi đã đứng ra mua chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu – một trong những chuỗi cửa hàng thuốc lớn tại Tp.HCM để trải nghiệm thị trường và xem lại độ minh bạch như thế nào. Sau đó sẽ dựa theo kết quả đó để xem xét xem FPT Retail có nên đầu tư vào ngành này hay không.
Thành lập năm 2012, là một thành viên của Tập đoàn FPT (sở hữu 55% cổ phần), sau 5 năm hoạt động, FPT Retail nhanh chóng lọt vào Top 4 nhà bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam (tháng 7/2017), Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương (Retail Asia).
Với doanh thu 15.717 USD/m2, FPT Retail là nhà bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam theo bình chọn của Euromonitor và Retail Asia Publishing. Trước đó, từ năm 2015, FPT Retail là một trong các nhà bán lẻ hàng đầu về thị phần máy tính xách tay và các sản phẩm Apple tại Việt Nam và đứng thứ 2 về thị phần điện thoại di động.
Với sản phẩm bán lẻ chủ lực là điện thoại di động và laptop thì FPT Retail có tốc độ tăng trưởng tốt hơn thị trường chung về số lượng và giá trị. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm (CAGR) của doanh thu và lợi nhuận sau thuế mà FPT Retail đã đạt được trong giai đoạn 2013-2017F, kế hoạch tăng trưởng bình quân (CAGR) của FPT Retail trong giai đoạn 2016 – 2020F là 23,9%/năm cho doanh thu và 33,5%/năm cho lợi nhuận sau thuế.