Thị trường chứng khoán diễn biến giảm khiến giá nhiều cổ phiếu xuống mức thấp hiếm có. Không ít lãnh đạo, chủ doanh nghiệp cũng như người liên quan tung hàng ngàn tỷ để mua vào.
Theo Sở GDCK TP.HCM, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng Giám đốc Cơ Điện Lạnh (REE) đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu REE. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, từ ngày 18/3 - 17/4/2020.
Với mức giá khoảng 30 ngàn đồng/cp như hiện tại, nữ chủ tịch REE có thể phải chi ra 450 tỷ đồng để mua số cổ phiếu nói trên. Và nếu thành công, bà Thanh sẽ sở hữu 37,7 triệu cổ phiếu REE, tương đương gần 12,2%. Quyết định mua cổ phiếu được bà Nguyễn Thị Mai Thanh đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu REE giảm sâu, mất khoảng 17% kể từ đầu năm.
Trước đó, con trai của đại gia Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là Trần Vũ Minh cũng đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu từ ngày 17/3 đến 16/4 trong bối cảnh cổ phiếu HPG giảm gần 28% trong chưa tới 2 tháng qua. Với mức giá hiện tại, con trai ông Long sẽ phải bỏ ra một khoản tiền gần 400 tỷ đồng.
Nếu giao dịch thành công, gia đình ông Trần Đình Long sẽ nắm giữ 923,85 triệu cổ phiếu HPG (tương đương 33,46%).
Gần đây, hàng loạt lãnh đạo hoặc/và chủ doanh nghiệp cũng như người liên quan tung hàng ngàn tỷ để mua vào để bắt đáy cũng như cứu giá cổ phiếu. Trong vòng một thời ngắn, chỉ số VN-Index đã giảm từ mức gần 1.000 điểm xuống dưới 750 điểm. Vốn hóa thị trường bốc hơi khoảng 25 tỷ USD. Đây là một con số quá lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của các NĐT. Không ít cổ phiếu đã xuống mức thấp kỷ lục trong đợt giảm giá này.
Nhiều lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và người liên quan đăng ký mua vào cổ phiếu. |
Trong bối cảnh này, không ít DN vẫn nỗ lực và tư tin khi có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ như Gemadept đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu quỹ, Gelex đăng ký mua 25,7 triệu cổ phiếu, PAN của ông Nguyễn Duy Hưng mua 21,6 triệu cổ phiếu quỹ…
Tổng cộng số tiền đăng ký mua vào lên tới nhiều ngàn tỷ đồng. Đây được xem là một động lực lớn giúp thị trường ổn định trở lại sau một chuỗi ngày giảm giá mạnh.
Mới đây, Chủ tịch UBCKNN, ông Trần Văn Dũng đã khẳng định cơ quan này sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp trong vòng 1 ngày, thay vì xử lý trong vòng 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết sẽ giảm ngay một số loại giá dịch vụ chứng khoán trong tuần này. Trước trước mắt sẽ cho điều chỉnh ngay 4 loại giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh tại VSD.
Chia sẻ về TTCK hiện nay, ông Dũng cho rằng: “Theo đánh giá của chúng tôi, các gói giải pháp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa của Mỹ và các nước là cần thiết. Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất quá mạnh và tuyên bố trong tình trạng khẩn cấp, không theo lịch trình họp định kỳ đang làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do vậy, tình hình TTCK thế giới nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng trong những ngày tới khả năng sẽ có những biến động lên xuống đan xen với tần suất khá lớn.
Chủ tịch UBCKNN cũng đã cho rằng, nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, thì với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta vẫn có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Chúng tôi cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm sáng khi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực giảm điểm vẫn lớn. Chỉ số VN-Index giảm hơn 24 điểm xuống gần 721 điểm.
Chứng khoán Việt Nam giảm sau khi chứng khoán Mỹ đêm qua sụt giảm và lần thứ 4 bị ngắt mạch do giảm quá sâu. Giới đầu tư lo ngại triển vọng nền kinh tế toàn cầu, có thể rơi vào tình trạng suy thoái.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo SHS, VN-Index hồi phục nhẹ sau năm phiên giảm điểm liên tiếp với thanh khoản chỉ xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên vẫn có sự dè dặt nhất định. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với khoảng 650 tỷ đồng trên hai sàn tiếp tục là điểm tiêu cực trong bối cảnh vốn đã ảm đạm.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 19/3, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 700-720 điểm (trendline nối các đáy từ đầu 2012 đến nay). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tận dụng những nhịp hồi phục về vùng kháng cự trong khoảng 780-800 điểm nhằm hạ dần tỷ trọng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/3, VN-Index tăng 1,88 điểm lên 747,66 điểm; HNX-Index tăng 1,12 điểm lên 101,84 điểm. Upcom-Index tăng 0,06 điểm lên 50,37 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 5,9 ngàn tỷ đồng.
V. Hà