Ông Trần Đình Long, bà Đặng Thị Hoàng Yến là những cái tên chủ tịch công ty được cho là nhàn nhất khi họ có nhiều thời gian cà phê hay không có mặt thời gian dài ở đại hội cổ đông.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến xuất hiện với tên mới
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến tiếp tục tham dự trực tuyến từ Mỹ. Bà Yến được MC giới thiệu là Maya Dangelas và tên mới này cũng xuất hiện liên tục trong các tài liệu, nghị quyết của HĐQT. Cái tên "Đặng Thị Hoàng Yến" hầu như không được nhắc tới nữa.
Là người sáng lập, vận hành, được xem là linh hồn của Công ty, song kể từ năm 2013 bà Yến liên tục vắng mặt, không dự cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên với nhiều lý do như bận, đi công tác, chữa bệnh,...
Suốt những năm qua, các phiên họp đều được chủ trì bởi các thành viên trong ban lãnh đạo và em trai bà Yến là ông Đặng Thành Tâm. Điều này khiến các cổ đông tỏ ra không mấy hài lòng.
Cổ phiếu giảm, vắng bóng nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến |
Trong thông điệp gửi cổ đông, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết trong năm 2021, đơn vị xác định sẽ thoái vốn các đơn vị thành viên liên doanh liên kết khác và tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động chính là khu công nghiệp. Đây là hướng đi ổn định lâu dài trong tương lai.
Năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 649 tỷ đồng, giảm 50% so với năm trước; lãi sau thuế 179 tỷ đồng, giảm 13%. Lợi nhuận tích lũy tính đến cuối năm đạt 1.034 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 9.384 tỷ đồng. Ban lãnh đạo ITA tiếp tục không đề cập đến vấn đề chia cổ tức năm 2020, lần cuối doanh nghiệp chia cổ tức là vào năm 2013 (cổ tức cổ phiếu 5%).
Ông Trần Đình Long chủ tịch nhàn nhất thế giới?
Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho hay: "Anh em bạn bè thường nói tôi là chủ tịch nhàn nhất thế giới vì có thời gian ăn sáng, cà phê đầy đủ, trưa lại ngồi cà phê với bạn bè, tối lại về nhà ăn cơm với gia đình, tuần đi chơi golf được 2 lần".
Theo ông Long, để được nhàn nhã như vậy một phần lý do nhờ việc tại Hòa Phát thế hệ lãnh đạo kế cận F1, F2 đã có quá trình được bồi dưỡng, phát triển đầy đủ năng lực chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm và có bản lĩnh kinh doanh.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Tập đoàn Hoà Phát, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã trả lời câu hỏi của cổ đông về việc xin ý kiến cổ đông để gia đình ông được muốn mua cổ phiếu HPG mà không phải chào mua công khai. Ông Long cho biết ông cam kết không bán cổ phiếu. Gia đình ông mong muốn tăng sở hữu lên, ông mong cổ đông sẽ ủng hộ việc ông mua cổ phiếu. Ông cho biết trình tự chào mua công khai rất phức tạp.
Ông Trần Đình Long |
“Năm ngoái tôi muốn mua thêm cổ phiếu nhưng các bạn pháp chế nói rằng phải nộp hồ sơ mất cơ hội, Luật cho phép nên tôi xin đại hội cho phép để gia đình mua thêm, không có bất cứ uẩn khúc nào, việc công bố thông tin theo trình tự vẫn bình thường”, ông Long nói.
Ông Dương Công Minh: "LPB là con đẻ của tôi và tôi đã cho đi"
Ông Dương Công Minh chia sẻ, Sacombank (STB) và LienVietPostBank (LPB) không có quan hệ gì và là 2 ngân hàng hoàn toàn độc lập.
"LPB là con đẻ của tôi và tôi đã cho đi, gả chồng. STB là con dâu và con dâu lúc nào cũng quý hơn con đẻ. Tôi yêu cả hai nhưng STB đem quyền lợi nhiều nhất. Toàn bộ công việc của tôi hiện giờ tập trung cho Sacombank", ông nói.
Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo Sacombank cho biết, năm 2020, tổng tài sản Sacombank đạt 492.637 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,94% xuống 1,7%. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 447.370 tủ đồng, tăng 8%. Tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 340.570 tỷ đồng, tăng 15%. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.339 tỷ đồng, vượt được 30% kế hoạch. Hiện lợi nhuận giữ lại lũy kế đạt 6.496 tỷ đồng.
Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8% lên 533.300 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 485.500 tỷ, tăng 9%; dư nợ tín dụng đạt 372.000 tỷ, tăng 9%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 20%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Công ty của Bầu Đức lại gặp khó
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa thông báo về việc đưa cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát. Thời gian áp dụng từ ngày 28/4/2021, theo đó cổ phiếu HAG bị hạn chế về thời gian giao dịch chỉ vào phiên chiều.
Nguyên nhân do lỗ ròng năm 2020 gần 1.256 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2020 hơn 6.302 tỷ đồng, đồng thời Công ty thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2018 và 2019 dẫn đến lỗ lũy kế hơn 4.766 tỷ đồng.
Đại gia Bầu Đức gặp khó |
Liên quan đến việc điều chỉnh hồi tố khoản lỗ năm 2019, theo đó ghi nhận thêm lỗ 5.000 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (theo đó, tính đến ngày 31/12/2020, Công ty lỗ luỹ kế 6.302 tỷ đồng), Công ty cho biết dịch Covid-19 bùng phát làm cho các thông tin về rủi ro của thị trường nông sản và ngành nông nghiệp được biểu hiện rõ ràng hơn.
Tính đến cuối năm 2020, HAG lỗ luỹ kế 6.302 tỷ đồng, và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Theo đó, kiểm toán nhấn mạnh ý kiến BCTC của Công ty tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Song song, Tập đoàn cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.
Đại gia gỗ và khoản nợ quá hạn 123 tỷ
Tính đến thời điểm 31/12/2020, TTF đang có khoản nợ quá hạn tại DongABank (chi nhánh Bình Dương) hơn 123 tỷ đồng, được đảm bảo bằng 12.859 m2 gỗ nguyên liệu các loại và thành phẩm của nhóm Công ty.
Cũng liên quan đến khoản nợ này, ĐHĐCĐ thường năm ngoái của TTD đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ gần 58 triệu cổ phiếu với giá 2.128 đồng/cp, tỷ lệ hoán đổi là 0,2218:1 (2.218 đồng nợ đổi được 1 cổ phần phát hành thêm).
"Với khoản nợ này, TTF không còn cách nào khác để mà làm, Công ty không thể nào vay ngân hàng từ khi tôi tiếp nhận. Đơn giản vì khoản vay cũ tại DongABank là nợ xấu, chưa có điều kiện để trả dứt điểm. Giữa chúng ta với DongABank có ít nhất vài chục lần làm việc, thậm chí ngân hàng đã khởi kiện công ty", ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch TTF lúc bấy giờ chia sẻ.
Trong đó, TTF dự kiến phát hành cho đối tác thứ ba mua lại khoản nợ trên. Tuy nhiên, đến nay các bên không thống nhất được các vấn đề, do đó hiện Công ty vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp để mua lại nợ tại DongABank.
Đại gia công nghệ lãi lớn
CTCP FPT công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 với doanh thu 7.586 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.397 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14,4% và 22,3%. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 22,8%, lãi cơ bản trên cổ phiếu tăng trưởng 20,8%. FPT cho biết tăng trưởng đến từ việc đẩy mạnh bán hàng và tập trung vào các mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao.
Khối công nghệ của FPT tăng trưởng cao nhất trong các mảng kinh doanh, đóng góp 55% tổng doanh thu và 40% lợi nhuận trước thuế. Doanh số ký mới đạt 5.834 tỷ đồng, mức cao nhất trong 4 quý gần đây, tăng trưởng 46,3% so với cùng kỳ.
Chiến lược kinh doanh được FPT gọi là "săn cá voi" (tập trung vào nhóm các doanh nghiệp lớn và các hợp đồng có giá trị cao), FPT đã ký kết thành công 4 hợp đồng lớn với doanh số trên 5 triệu USD/hợp đồng trong quý đầu năm. Doanh thu ký mới của thị trường nước ngoài tăng trưởng 43%, đạt 4.489 tỷ đồng. Tập đoàn cho biết đây là cơ sở đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong các quý còn lại của 2021.
Khối viễn thông ghi nhận 2.925 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,6%, và 576 tỷ đồng LNTT, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ viễn thông đạt 524 tỷ đồng LNTT, tăng trưởng 30,7% nhờ cải thiện biên LNTT của mảng dịch vụ băng thông rộng cũng như lợi nhuận mới từ mảng dịch vụ truyền hình trả tiền. Trong khi đó, doanh thu lĩnh vực giáo dục đạt 698 tỷ đồng, tăng trưởng 57% so với cùng kỳ.
Bảo Anh