Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là đoạn kết buồn cho người được biết đến là nữ đại gia sở hữu Rolls-Royce chính hãng đầu tiên ở Việt Nam.
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị tuyên chung thân
TAND TP HCM đã tuyên bố mức hình phạt đối với 10 bị cáo trong vụ án hoán đổi tài sản tư nhân 57 Cao Thắng lấy tài sản thuộc sở hữu nhà nước 185 Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM).
HĐXX nhận định rằng, hành vi của bị cáo Diệp là đặc biệt nghiêm trọng, khiến Nhà nước mất quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng, không xác lập được quyền đối với tài sản 57 Cao Thắng, gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng nên cần có bản án nghiêm khắc nhằm răn đe. Từ đó, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nữ đại gia đi Rolls-Royce đầu tiên Việt Nam cuối đời lãnh án chung thân |
Từ những căn cứ trên, HĐXX sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bà Dương Thị Bạch Diệp còn được biết đến là nữ đại gia sở hữu Rolls-Royce chính hãng đầu tiên ở Việt Nam. Chiếc Rolls-Royce Phantom màu xanh của bà Dương Thị Bạch Diệp được nhập về Việt Nam vào tháng 1/2008. Tổng giá trị xe tại Việt Nam khoảng 1,3 triệu USD (khoảng 26 tỷ đồng vào năm 2008).
Thân xe gồm hai tông màu xanh đen và bạc. Dưới ánh nắng, thân có màu xanh lục, tương ứng với tên bà chủ là Bạch Diệp. Chưa kể chiếc siêu xe này còn sở hữu biển số cực đẹp: 77L 7777.
Nữ tỷ phú ước mơ làm cô giáo
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ, khi còn nhỏ, tôi ước mình sẽ là một cô giáo như mẹ tôi. Ước rằng sau khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy "cá vàng"... là đủ.
Tuy nhiên, sau khi nhận học bổng du học, tiếp xúc với môi trường quốc tế lại ở ngay thời điểm các nước Đông Âu đang cải cách chính trị và kinh tế - perestroika - một sự thay đổi lớn lao đang diễn ra tại cái nôi của chủ nghĩa xã hội, và tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có khối tài sản theo Forbes đạt 2,7 tỷ USD, tiếp tục là nữ doanh nhân giàu nhất tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện là CEO của Vietjet Air, Co-founder kiêm Chủ tịch HĐQT Sovico và Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HD Bank.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo |
Mới đây, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký vào bản ghi nhớ sẽ tài trợ cho trường Linacre College (thuộc ĐH Oxford) 155 triệu bảng Anh, tương đương 4.800 tỷ VNĐ. Linacre là trường nhận được ít tài trợ nhất trong hệ thống Đại học Oxford. Trước khoản tài trợ lớn này, lãnh đạo nhà trường tỏ ra rất vui mừng và tuyên bố sẽ xin đổi tên trường thành "Thao College" sau khi nhận 50 triệu bảng đầu tiên.
Việc bà Thảo có thể sẽ là người Châu Á đầu tiên được một trường học ở châu Âu đặt tên khi còn sống đang trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm.
Con trai “bầu Thắng” mua vào 1 triệu cổ phiếu
Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành vừa Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của ông Võ Quốc Lợi, Thành viên HĐQT công ty.
Theo đó, trước khi hoàn tất mua vào 1 triệu cổ phiếu TTF, cá nhân ông Lợi sở hữu 307.802 cổ phiếu TTF.
Vào cuối tháng 10/2021, ông Võ Quốc Lợi đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TTF theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận, với thời gian dự kiến trong tháng 11/2021.
Ông Võ Quốc Lợi sinh năm 1988 |
Kết quả, cổ đông này đã hoàn tất nhu cầu đầu tư cá nhân sớm hơn kế hoạch khi mua vào 1 triệu cổ phiếu TTF theo phương thức khớp lệnh trên sàn với thời gian giao dịch từ ngày 4/11 đến ngày 9/11/2021.
Ông Võ Quốc Lợi sinh năm 1988, Thạc sỹ quản trị kinh doanh, trường London Business School.
Trước khi giữ chức Phó Tổng giám đốc Kienlongbank vào tháng 1/2021, ông Lợi là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm miền Trung, Chủ tịch HĐQT Trường trung cấp Việt - Nhật (Trực thuộc công ty TNHH Yamato).
Doanh nhân này cũng con trai của ông Võ Quốc Thắng (thường được gọi là bầu Thắng) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm.
Ái nữ nhà Tân Hiệp Phát rời ghế cổ đông lớn Yeah1
Liên tục bán ra cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1, bà Trần Uyên Phương – ái nữ nhà Tân Hiệp Phát – chính thức rời khỏi ghế cổ đông lớn tại Công ty. Cụ thể, sau giao dịch gần nhất vào ngày 11/11 mới đây, bà Phương đã bán ra gần 1,4 triệu cổ phiếu YEG và giảm sở hữu từ mức 7,5% vốn xuống còn 2,47% vốn.
Trên thị trường, cổ phiếu YEG có bật tăng nhẹ tuy nhiên vẫn ở mức rất thấp với 18.750 đồng/cp - tương đương chỉ bằng 1/17 mức giá thời đỉnh cao và giảm hơn 62% so với mức giá bà Uyên đã bỏ ra để mua lượng lớn cổ phần.
Bà Phương được biết là con gái của ông Trần Quý Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam với các thương hiệu nổi tiếng như Dr Thanh, Trà xanh không độ, nước tăng lực Number 1...
Đầu năm 2020, bà Phương chịu chi đến 300 tỷ đồng để mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu YEG và trở thành cổ đông lớn thứ hai, sau Chủ tịch là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Ước tính giá mua vào của bà Phương là 50.000 đồng/cp.
Con gái Phó Chủ tịch chi hàng chục tỷ mua cổ phiếu
Bà Đỗ Quỳnh Anh - con gái của ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch TPBank - vừa thông báo hoàn tất mua vào 1 triệu cổ phiếu TPB. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận vào ngày 17/11. Ước tính theo giá đóng cửa ngày 17/11 (43.250 đồng/cp), con gái Phó Chủ tịch TPBank đã chi ra hơn 43 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên.
Sau giao dịch, tổng số cổ phần TPB do bà Quỳnh Anh sở hữu tăng lên gần 35 triệu đơn vị, tương đương 2,98% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Đỗ Anh Tú đang nắm giữ hơn 43,4 triệu cổ phiếu TPB, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,71%.
Ngoài bà Quỳnh Anh, Đỗ Minh Quân - một người con khác của ông Tú - cũng đang sở hữu hơn 39 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,65%.
Mới đây, TPBank đã thông qua việc triển khai Phương án tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2021 bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 410 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 35% để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ từ từ 11.716 tỷ đồng lên hơn 15.817 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý III/2021, TPBank tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Bảo Anh