Nhiều ngày qua, hàng chục người đã tập trung tại tòa nhà Vietcomreal, 68 Nguyễn Huệ, quận 1 TP.HCM để lên tiếng tố cáo dự án iFan của Công ty Modern Tech lừa đảo 15.000 tỷ đồng
Theo các nạn nhân, họ tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty iFan khi huy động tiền ảo đa cấp trái phép.
Theo thông tin ban đầu, có tất cả 32.000 nạn nhân của iFan bị lừa với số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, một nữ đại gia tên H (đề nghị viết tắt tên – PV) cho biết, bà đã cùng chồng đầu tư gần 16 tỷ đồng vào iFan.
Theo bà H, lần đầu tiên bà tham dự hội thảo iFan là ngày 29/9/2017, cùng với chồng sắp cưới.
"Ngày tôi và chồng tham dự cũng là ngày lần đầu tiên Công ty iFan ra mắt, quảng cáo cho đồng iFan ở Trung tâm tiệc cưới tại quận 10, TP HCM. Tại sự kiện, ngoài tôi và chồng còn có rất nhiều người có buổi nói chuyện với người nổi tiếng như Diệp Khắc Cường, Vũ Hữu Lợi, Hồ Xuân Văn, Bùi Ngọc Mỹ. Họ giới thiệu đồng tiền ảo này cho chúng tôi.
Ngay buổi hôm đó, họ cũng bán đồng này luôn với các mức giá ưu đãi0,1 – 0,2 USD/đồng.Để tránh những nhà đầu tư ôm số lượng lớn đồng iFan với giá thấp, họ tiến hành bốc thăm, hoặc chỉ tên ngẫu nhiên. Tôi may mắn được chọn mua 200.000 iFan với giá 0,1 USD/đồng, chồng sắp cưới của tôi cũng được chọn mua 200.000 đồng iFan với giá0,2 USD/đồng", bà H nói.
Nơi được cho là trụ sở của Modern Tech tại TP HCM.
Về lý do quyết định cùng chồng đầu tư số lượng lớn tiền ảo như vậy, bà H khẳng định: "Tôi tin vào anh Diệp Khắc Cường, chủ Công ty FNC. Anh ấy có tiếng tốt trong giới doanh nhân. Tôi tin anh ta nói được làm được.
Bên cạnh đó, những kế hoạch họ trình bày về đồng iFan rất thuyết phục. Ngoài ra, anh Cường thời điểm đó còn sở hữu app (ứng dụng điện thoại – PV) kết nối với các nghệ sĩ trong giới showbiz như Đàm Vĩnh Hưng. Tôi lại rất thích điều này".
Theo bà H, app kết nối với các nghệ sĩ trong giới showbiz và dùng chính đồng iFan để thanh toán. Nếu nhà đầu tư có nhu cầu đi nghe nhạc của các nghệ sĩ lớn trong và ngoài nước, thay vì dùng tiền mua vé thì dùng đồng iFan mua.
Khi đồng iFan được lên sàn, có thể đặt được vé máy bay, khách sạn với giá tốt, rẻ hơn 30-40% giá thị trường bên ngoài. Công ty iFan hứa hẹn khi đồng tiền ảo này lên sàn sẽ tạo ra hệ sinh thái, mọi người không cần phải trả tiền mặt, mà thanh toán hóa đơn bằng iFan.
"Ví dụ, chúng tôi mua đồng này với giá 0,1 USD, nhưng khi nó được niêm yết trên sàn, giá có thể tăng lên 5 USD, 6 USD. Họ hứa hẹn trong 3 tháng, nếu thực hiện đúng lộ trình, đến cuối tháng 12/2017, giá của đồng iFan lên tới 5 USD, lợi nhuận gấp 50 lần.
Tức là, chúng tôi mua với tư cách là đầu tư, không phải mua theo kiểu lướt sóng. Chúng tôi chờ đồng iFan lên sàn rồi bán ra, lợi nhuận rất khủng khiếp.
Đồng iFan giống như Bitcoin, nhưng bitcoin là tiền điện tử, đã được lên sàn quốc tế, còn iFan vẫn là tiền ảo vì chưa được lên sàn. Đồng này khi được niêm yết lên sàn được gọi là ICO", bà H giải thích về đồng iFan.
Nhiều người dân kêu cứu vị bị lừa 15.000 tỷ đồng.
Theo bà H, khi không còn liên lạc được với phía Công ty iFan bà rất buồn và thất vọng. Cả bà và chồng đều tin tưởng tuyệt đối vào ban lãnh đạo Công ty iFan, nhưng giờ mới nhận ra bị lừa.
Bà H và chồng đầu tư đến 16 tỷ đồng. Ngoài ra còn có bạn bè cũng đầu tư rất nhiều trong thương vụ đồng tiền ảo iFan.
Hiện bà H đang nghiên cứu mẫu đơn kiện gửi lên Cục Cảnh sát Kinh tế (C46, Bộ Công an) để làm rõ vụ việc hệ thống đa cấp tiền ảo iFan.
"Tôi nghĩ rằng, phía ban lãnh đạo đã có chủ mưu từ ban đầu để lừa mọi người. Tuy nhiên, nói đi phải nói lại tất cả cũng vì lòng tham, thấy họ đưa ra lãi suất quá hời, quá hấp dẫn như vậy.
Tôi tin giới chức trách sẽ điều tra, đòi lại công bằng cho chúng tôi trong vụ việc này", bà H chia sẻ.