Sau nhiều năm được khai thác bởi Tập đoàn Khaisilk, khách sạn TajmaSago và nhà hàng Charm Charm (toạ lạc tại số 2 – 6 Phan Văn Chương, quận 7, TP.HCM) đã chính thức về tay Công ty TNHH Chloe Hospitality. Đây là hai bất động sản khá lộng lẫy, được xem như toà lâu đài, nằm ở vị trí đắc địa khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Theo ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc Điều hành Chloe Hospitality, hai bất động sản trên sẽ được công ty sở hữu và khai thác cho đến khi hết thời hạn thuê. Cùng với kiến trúc sẵn có, công ty cũng sẽ điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế.
Tuy mới xuất hiện nhưng cái tên Chloe Hospitality đã lập tức gây chú ý trong ngành quản lý bất động sản. Theo đó, công ty này được thành lập vào ngày 6/9/2018, trụ sở chính tại số 6 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, cùng địa chỉ với khách sạn TajmaSago.
"Lâu đài" TajmaSago được xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc của vùng Marrakech.
Theo thông tin đăng ký thay đổi mới nhất vào ngày 3/12/2018, người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc Công ty TNHH Chloe Hospitality là bà Đặng Thị Bảo Phương (SN 1994, ngụ TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc của công ty trước đó là bà Bùi Thị Vân Anh (SN 1970, ngụ quận 3, TP.HCM).
Nằm tại bờ hồ bán nguyệt của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, "lâu đài" TajmaSago được thiết kế theo dáng dấp của ngôi đền cổ Taj Mahal. TajmaSago có nghĩa là đền Taj Mahal tại Sài Gòn.
Khách sạn TajmaSago có quy mô 19 phòng được thiết kế khác nhau, trong đó có một phòng President Suite có diện tích tới 260m2 với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp.
Nhà hàng Charm Charm được thiết kế theo lối kiến trúc mô phỏng ngôi đền Ankor Wat. |
Trong khi đó, nằm ngay chân cầu Ánh Sao, quận 7, nhà hàng Cham Charm nổi bật với lối kiến trúc mô phỏng ngôi đền Ankor Wat uy nghi, lộng lẫy. Nhà hàng được thiết kế màu trắng tinh khiết, nổi bật giữa hai hàng cây xanh dẫn lối bậc thang cao 4m.
Trước đây, cùng với việc khai thác khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm, doanh nhân Hoàng Khải, chủ sở hữu Tập đoàn Khaisilk còn sở hữu hàng loạt nhà hàng cao cấp khác tại TP.HCM như: Au Menoir de Khai, Ming Dynasty, Nam Phan; Trois Pommes; London Steak House, Khai’s Brothers và That’s Café…
Tuy hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng sang trọng nhưng công ty của ông Hoàng Khải liên tục thua lỗ, âm vốn điều lệ.
Vào cuối năm 2017, Công ty TNHH Khải Đức, chủ thương hiệu Khaisilk, dính vào lùm xùm bán lụa có nguồn gốc Trung Quốc nhưng gắn mác “Made in Việt Nam”. Kết quả kiểm tra của Bộ Công thương cho thấy công ty này có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả.
Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của công ty cho thấy không có thành phần silk dù thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là "100% silk".
Công ty đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể, một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa.
Chưa kể, còn có một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Khaisilk cũng không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này. Vụ việc sau đó đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.