Nguyễn Thị Vân là một người phụ nữ khuyết tật được nhiều người biết tại Việt Nam. 31 tuổi nhưng chỉ nặng 21kg, mọi hoạt động gắn với chiếc xe lăn nhưng Vân cũng đang là giám đốc Trung tâm Nghị lực sống và điều hành một công ty chuyên về đồ hoạ cho các công ty BĐS nước ngoài.
Vân cũng được ngưỡng mộ bởi câu chuyện tình với một kỹ sư người Úc, anh Neil Bowden Laurence.
Nguyễn Thị Vân và chồng
"Tôi luôn lạc quan trong cuộc sống và con đường mình chọn, không chỉ làm mình hạnh phúc mà còn làm mọi người hạnh phúc", Vân nói tại Hội thảo Quốc tế "Hợp lực tạo tác động – một thập kỷ phát triển doanh nghiệp xã hội Việt Nam và châu Á", tổ chức ngày 9/10.
10 năm trước, Vân không biết đến cụm từ doanh nghiệp xã hội. Cô cho biết bản thân không phân định rõ ràng được khái niệm "từ thiện" và "kinh doanh". Nhưng một ngày đẹp trời, theo cách gọi của Vân, cô bắt gặp khái niệm này và tìm hiểu về nó.
Nghị lực sống, trung tâm mà Vân làm giám đốc, qua 10 năm đã đào tạo được hơn 900 người khuyết tật, 200 người có hoàn cảnh khó khăn. Cô cho biết 85% số người này đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt, tự lập, và có gia đình.
Về doanh nghiệp còn lại, Vân nói rằng cô có 54 nhân viên, trong đó 57% là người khuyết tật. "Thành quả cũng rất tuyệt vời", Vân kết luận.
"Doanh nghiệp xã hội dù còn nhỏ nhưng đã tạo một niềm tin, hi vọng lớn trong nhiều mặt của xã hội", bà Hà Thị Thu Thanh, chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam nói.
Bà Thu Thanh cho biết hệ sinh thái của doanh nghiệp xã hội đang phát triển mạnh mẽ, từ chưa được biết tới năm 2008 đã được định danh trên khung khổ pháp lý năm 2014 trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Những doanh nghiệp này đã thổi một luồng hi vọng cho sự thay đổi, theo bà Thanh, cải thiện nhiều mặt vấn đề trong xã hội, như xoá đói giảm nghèo, bình đẳng trong kinh tế, đa dạng hoá, phát triển giáo dục cho người yếu tế.
PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc CSIE nhận định sự phát triển doanh nghiệp xã hội sẽ thúc đẩy được hai vấn đề, gồm: kinh doanh có đạo đức và quyền lợi con người.
Theo bà Thắng, nhìn chung, kinh doanh tại Việt Nam đối diện với nhiều vấn đề về đạo đức và chưa được nâng cao về nhận thức. Việc ra đời các doanh nghiệp xã hội, như vậy có thể cải thiện, giúp tiếp cận tốt hơn các vấn đề đang tồn tại. Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp mà mục tiêu hướng đến không chỉ vì lợi nhuận.
Doanh nghiệp xã hội được GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định là tạo ra những giá trị phát triển bền vững. "Nó không còn là sự lựa chọn là là xu thế tất yếu", ông nói và nhận định hình thức này có dư địa rất lớn tại Việt Nam.
Dù vậy, chặng đường 10 năm qua của doanh nghiệp xã hội không hề dễ dàng. Sự khó khăn này có thể tiếp tục trải dài trong những năm tiếp theo.
"Chúng ta đang vừa học, vừa làm", TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định và cho biết doanh nghiệp xã hội phải đối mặt với thách thức tìm ra những sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, hệ sinh thái chưa thuận lợi cho loại hình doanh nghiệp này phát triển cũng như hành lang pháp lý. "Luật ban hành và thừa nhận nhưng vẫn chưa hình thành chính sách cụ thể cho doanh nghiệp xã hội riêng", ông Cung nói.
Bên cạnh đó, những hỗ trợ khuyến khích từ nhà nước vẫn chưa tạo ra một lực đẩy. Niềm tin cũng là một yếu tố được nhắc đến. Bởi lẽ, nhiều tổ chức đã hoạt động như doanh nghiệp xã hội nhưng không đăng ký chuyển đổi. "Có thể họ chưa thực sự tin tưởng", ông bình luận.
Để góp phần thúc đẩy doanh nghiệp xã hội, Viện trưởng CIEM nói rằng cần phải nhìn nhận lại doanh nghiệp xã hội như một công cụ bổ sung, cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội.
Môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp thông thường đã khó khăn, với doanh nghiệp xã hội còn khó khăn gấp đôi, gấp ba, theo nhận xét của ông Cung do đó, ông cho rằng cần phải cải thiện chính sách hơn nữa.
"Áp lực đòi hỏi nhiều hơn nữa những thay đổi từ phía Nhà nước", ông nói trước cơ hội đang được hiện diện để hướng đến sự thịnh vượng chung.