Phạm Thị Ngọc Châu (1984) có gần 11 năm làm việc trong ngành ngân hàng, trong đó ở vị trí nhân viên hơn 3 năm, cấp trưởng phòng hơn 2 năm và còn lại là Giám đốc PGD hoặc Phó Giám đốc chi nhánh. Là một cô gái từ quê lên Sài Gòn, tự nhận "nhan sắc bình thường", gia cảnh không có gì nổi bật, hành trình thăng tiến của chị khiến không ít người ngưỡng mộ.
Thành công rất sớm và con đường thăng tiến rộng mở, nhưng với chị, dù đã vững vàng ở vị trí giám đốc ngân hàng, cuộc sống lại như một guồng quay đúng nghĩa "rat rate", rất hiếm được về nhà sớm hay nghỉ ngơi cuối tuần. Đáp lại những stress đó, chị mua sắm rất nhiều và lúc nào cũng cảm thấy quay cuồng căng thẳng.
Thất nghiệp chủ động ở tuổi 32
Làm ngân hàng, thu nhập rất cao nhưng tiền vào bao nhiêu thì chi ra bấy nhiêu. Những cuộc gặp gỡ đối tác liên tục khiến chị lao vào đầu tư quần áo, son phấn, đồ hiệu,…và luôn cảm thấy vẫn không đủ.
Và khi ở độ tuổi 32, chị Châu bất ngờ quyết định bỏ việc khi đang là Phó Giám đốc tại chi nhánh của một ngân hàng tư nhân lớn tại TP.HCM. Chị tâm sự "Mặc dù mình mê mẩn số liệu trên báo cáo tài chính doanh nghiệp cũng như bí ẩn của dòng tiền trong từng công ty lớn nhỏ, nhưng sau một thời gian cân nhắc, cuối cùng mình quyết định…nghỉ bởi vì công việc gần như đã đánh cắp mất cuộc sống của mình."
Thời gian đầu nghỉ việc, chị Châu cũng có những loay hoay và lo lắng nhất định về con đường tương lai cũng như tài chính. Rồi cuối cùng chị quyết định chọn bắt đầu lại với những thứ mình thật sự đam mê.
Thiết lập lại cuộc đời với lối sống tối giản và đam mê viết
Việc đầu tiên sau khi chị nghỉ việc là quyết định lược bỏ bớt đồ trong nhà, gửi tặng từ thiện bớt quần áo mà chắc rằng sẽ lâu lắm nữa mới dùng đến. Không mua sắm nhiều, không còn phải hối hả đi sớm về khuya, nhà cửa rộng rãi sạch sẽ, đồ đạc và quần áo luôn cảm thấy đủ dùng mà không thấy thiếu.
"Mình cũng không trang điểm đậm nữa, lâu lắm có sự kiện gì quan trọng mình mới nhè nhẹ phớt chút phấn son," chị chia sẻ.
Nhờ cuộc sống đơn giản dễ chịu đó, chị Châu đã tìm lại được tình yêu với những con số và cả con chữ, có sự thư thái để vững vàng đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.
"Từ khi nghỉ việc, mình đã sống đơn giản hơn, gần gũi hơn với các con, chầm chậm với nhiều thứ", chị Châu tâm sự. Ảnh: NVCC
Bên cạnh việc mê mẩn về các con số tài chính, đầu tư, chị Châu còn một đam mê khác là viết lách. Từ khi nghỉ việc, chị đã có thời gian hơn để có thể kết hợp, làm cùng lúc 2 đam mê này.
"Giỏi gì thì làm nấy" với tâm niệm đó, chị đã quyết định làm sách và phần mềm về lĩnh vực tài chính đầu tư.
Hiện chị Châu đang sở hữu thương hiệu RBooks và BSPf. RBooks là công ty phát hành sách chuyên về lĩnh vực tài chính cá nhân với 4 mảng: Làm chủ tài chính, Đọc để sống bản lĩnh, Kiến thức chứng khoán, Sách chữa lành. Còn BSPf là một phần mềm chuyên về quản lý và phát triển dòng tiền cá nhân.
Đến nay đã hơn 6 năm kể từ khi chị nghỉ việc ngân hàng để khởi nghiệp, làm một công việc trái ngành. Khó khăn có thể kể dài như tiểu thuyết, để doanh nghiệp tồn tại, chị đã lao tâm khổ tứ, thậm chí đập đi xây lại không biết bao nhiêu lần. Có điều, được sự cổ vũ từ cha mẹ, chồng con và gia đình, chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Chị Châu kể, ngày đó, nhiều người bạn đã ái ngại khuyên can khi chị bỏ công việc với mức lương mơ ước như vậy tại ngân hàng. Nhưng chị vẫn quyết rẽ sang hướng khác bởi tâm niệm lựa chọn theo đuổi đam mê và kiên trì chờ đợi trái ngọt.
"Nếu vì danh vọng, mình đã không từ bỏ vị trí Giám đốc ngân hàng. Nếu muốn kiếm tiền nhanh và nhiều, mình đã chọn phát triển mảng dịch vụ đầu tư. Nhưng mình chọn làm sách và phần mềm, chậm mà chắc, bền bỉ mà kiên trì," chị Châu nói.
Với tư duy của một người 20 năm nghiên cứu tài chính, chị Châu cho rằng: "Dù bạn làm ngành nghề nào, tư duy về tài chính về đầu tư cũng rất quan trọng. Mình thấy nhiều bạn trẻ Việt ít quan tâm đến tiết kiệm và đầu tư sớm. Điều đó là một điểm khá đáng tiếc."
Chị cũng viết tự do và sắp tới sẽ ra mắt một cuốn sách về tài chính đầu tư do chính mình biên soạn để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chị có được trong hành trình lăn lộn với ngành tài chính. Ngoài ra, chị còn kết hợp xây dựng phần mềm về dòng tiền cá nhân, giúp người Việt có thể quản lý và phát triển dòng tiền của mình.
Chị Châu tại một buổi lễ ra mắt sách do thương hiệu sách của chị - RBooks phát hành. Ảnh: Facebook nhân vật
Những năm làm việc trong ngân hàng, dù áp lực nhưng cũng đã giúp chị học được nhiều thứ, đặc biệt là kỹ năng, kế hoạch, thực thi và hệ thống. Những điều này đều có ý nghĩa với những công việc hiện tại của chị.
Chị Châu tâm sự: "Từ khi nghỉ việc, mình đã sống đơn giản hơn, gần gũi hơn với các con, chầm chậm với nhiều thứ. Nó cho phép mình được làm nhiều đam mê của bản thân hơn. Biết ơn vô cùng đoạn thời gian làm ngân hàng vì nó giúp mình có tư duy về tiền, cách đối diện với tiền, hiểu được dòng chảy của tiền và tư duy giúp tiền đẻ ra tiền."
Và, ai rồi cũng theo đuổi tự do tài chính mà thôi, mỗi người đều sẽ có con đường của riêng mình, nhưng con đường để đi đến tự do tài chính lúc nào cũng cần trải nghiệm và tri thức.