“Bão” Covid-19 quét qua lần thứ 4 đã quật ngã, hoặc khiến rất nhiều doanh nghiệp nghiêng ngả. Ba Huân - người phụ nữ có hơn nửa thế kỷ buôn tảo bán tần - cũng không thể giúp công ty mình đi ngược quỹ đạo chung của thời cuộc.
“Sau đại dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2003 thì đây là lần tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử hơn 50 năm qua mà chúng tôi phải đối mặt”.
Long An, Bình Dương, TP.HCM – những nơi Ba Huân “cắm chốt” đều bị dịch hoành hành dữ dội. Lệnh giãn cách xã hội kéo dài khiến hàng hóa thông thương kém, nhu cầu mua sắm của người dân cũng giảm mạnh. Trớ trêu ở chỗ, tuy sản phẩm không bán nổi, nhưng công ty vẫn phải bỏ ra chi phí rất lớn để thực hiện 3 tại chỗ và chi trả các loại vật tư chăn nuôi leo giá nhanh chóng mặt.
“Có thời điểm, cứ bán trứng là lỗ, nhưng không thể không bán vì quả trứng không thể để lâu được. Mình phải tìm cách giảm giá, khuyến mại vừa bán vừa tặng,… để giải phóng hết hàng hóa”.
Đến khi giá trứng tăng tới 60%, Ba Huân vẫn không có lãi nếu trừ đi chi phí. Vậy mà lúc TP.HCM cho phép nâng giá thì chính bà Huân lại từ chối. “Vì chỉ có người nghèo mới xài trứng nhiều thôi. Mình nâng giá thì thiệt tội cho họ”… Vị nữ doanh nhân thường nói: “Dù có khổ, ngành trứng này cũng ít khó hơn nhiều ngành khác rồi. Chỉ tính chuyện mình còn tồn tại, đủ sức giữ bình ổn giá đấy là điều mừng nhất”.
Dịch bệnh càn quét cả về kinh tế lẫn sức khỏe của Ba Huân, khiến nhiều người trong công ty bà lao đao vì nhiễm bệnh. Nhìn ra khắp cả nước, bà Huân tin Covid-19 là một biến cố quá lớn trong cuộc đời bất cứ ai.
“Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là sau dịch, mọi người trong công ty vẫn còn có thể gặp lại nhau. Ngày gặp lại, mấy trăm con người không biết nói gì, chỉ biết ngồi đó mà cùng khóc”.
Bà khóc vì mừng được thấy tất cả mấy trăm con người và cả người thân, gia đình họ đều bình an. Những nhân viên lâu năm thấy bà Huân khóc cũng khóc theo. Mọi người vừa mừng vừa tủi vì sau dịch, dù công việc, cuộc sống đều khó khăn nhưng người thuyền trưởng lớn tuổi nhất công ty vẫn còn khỏe.
"Qua đại dịch mới thấy, đôi khi chỉ cần được nhìn thấy nhau là mừng rồi. Tổn thất về tiền bạc không quá quan trọng nữa. Quan trọng là tôi còn khỏe, các con, các anh em, nhân viên của tôi còn mạnh khỏe để cùng mình đi tiếp con đường sắp tới”.
Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, công việc có đôi lúc rối bời chưa biết nên làm sao nhưng bà Huân nói, điều bà luôn cố gắng là giữ một thái độ sống bình tĩnh. Bà thường đi lễ chùa để cầu mong Phật pháp nhiệm màu, giúp toàn bộ nhân viên trong công ty và cả gia đình của họ được mạnh khỏe.
“Tôi là người tôn trọng tất cả tôn giáo. Với tôi, đạo gì cũng được, miễn sao giúp tâm mình nhẹ nhàng và có một điểm tựa là được rồi”.
Việc đi chùa thường xuyên và ăn chay vào ngày Rằm, Mùng 1 hàng tháng giúp bà Huân vững vàng nhiều hơn. Bà nói theo Phật dạy, sự bình an của bản thân và những người thân yêu mới là điều quan trọng nhất.
“Đồng ý khi dịch dã như thế thì chao ôi là buồn, nhưng tôi là người đứng đầu thì phải ráng lèo lái con thuyền, động viên anh em phải luôn chú ý tự bảo vệ chính mình. Trong đại dịch này không ai bảo vệ cho mình tốt bằng chính mình tự bảo vệ cho mình. Còn chuyện làm ăn thì trong cái khó ló cái khôn, thuyền to gặp sóng lớn cũng là chuyện bình thường”.
Khó khăn lớn nhất trong cuộc đời bà Huân là lần đối mặt với dịch cúm H5N1. Vượt qua được thử thách đó và đi tiếp đến nay đã hơn 10 năm, bà Huân tin rằng: “Điều đã giúp cho tôi trụ vững chính là uy tín mà cha mẹ để lại cùng tính cách tảo tần, lam lũ mà ba mẹ dạy cho”.
Thời điểm gia cầm và trứng bị tiêu hủy hết vì dịch bệnh, bà Huân đã đưa ra quyết định táo bạo: sang Hà Lan để nhập khẩu công nghệ xử lý trứng sạch, đảm bảo tiêu chí không làm lây lan dịch bệnh. Hai chiếc máy xử lý trứng lúc đó bằng gia tài cả công ty. Nhưng nước cờ liều lĩnh đó cuối cùng đã giúp Ba Huân “thoát hiểm”.
“Quãng năm 2003-2005, không ai xài trứng Việt Nam. Tôi là người đưa máy xử lý trứng sạch về thì tất cả các doanh nghiệp làm bánh đều mua trứng của Ba Huân. Phải nói rằng, thành công của mình cũng là nhờ có đối tác trung thành, rất tin tưởng uy tín của tôi, của cả ba mẹ tôi để lại và không có bao giờ bỏ Ba Huân”.
Đi lên từ đồng ruộng, một người nông dân chân chất chưa học hết lớp 4 như bà Huân lại rất được đối tác tin cậy. Bà nói mình không có bí kíp gì ngoài sự thật thà. “Chắc là được trời thương, ra đời được người ta giúp, chứ tôi chưa từng bị ai lừa gạt bao giờ”.
Nhiều người thường nói, công ty gia đình giống như một “vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển. Trả lời trên báo chí, ông Phạm Thanh Hùng (em trai bà Huân) từng thừa nhận, ở Ba Huân luôn có sự ưu ái cho con cháu trong nhà. Không giống các nhân sự khác, họ sẽ được “thả” đi tất cả các vị trí xem mạnh mặt gì thì phát huy mặt đó.
Nói về điều này, bà Huân chia sẻ, số lượng con cháu đi theo và phát huy nghề làm trứng ở Ba Huân không nhiều, chỉ có 1-2 người. Công việc ở Ba Huân chủ yếu do bà và các anh em trực tiếp xử lý.
“Cái lợi của công ty gia đình là sự đoàn kết. Gia đình tôi đôi khi cũng có cãi cọ, nhưng chuyện đó ít lắm tại vì công ty này người sáng lập và người đứng đầu cũng là cô Ba mà”.
Mặc dù các em luôn là cánh tay đắc lực, nhưng để đảm bảo tính khách quan, lãnh đạo dưới quyền bà Huân là một đội ngũ chuyên gia. Hầu hết họ đều là người nước ngoài được bà Huân mời về để tham vấn.
“Chính sách thu hút họ thì không chỉ có lương, mà nhiều người còn lập gia đình rồi sinh sống ở đây luôn”.
Là một người phụ nữ thành công trên thương trường, nhưng về đời tư, bà Huân lại tự nhận mình là người không trọn vẹn về đường con cái.
Vì sinh con khi đã lớn tuổi, nên mọi thứ không được như bà Huân kỳ vọng. Hai người con của bà còn rất trẻ (24-25 tuổi) nên đến giờ vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc kế nghiệp gia đình.
Nỗi đau lớn nhất của bà Huân nói là chuyện “người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Người con trai đầu lòng của bà đã mất vì tai nạn giao thông lúc vừa tròn 21 tuổi. “Nó là đứa con trai rất ngoan và giỏi giang. Một lần đi xuống tỉnh coi vì sao trứng về ít thì bị cái áo mưa cuốn vào cái xe máy rồi té xuống, vào viện xong rồi phẫu thuật thì 3 ngày sau mất. Cũng tại hồi đó y học chưa được như bây giờ…”.
Chuyện này là một cú sốc cực lớn trong cuộc đời bà Huân mà phải rất khó khăn, bà mới vượt qua được. Sau đó, bà sinh thêm 2 người con, một trai, một gái. Khi sinh người con thứ 2, bà Huân đã ngoài 40 tuổi.
“Vậy nên tôi mới nói cả đời mình lỡ dở nhất là đường con cái. Cũng may thằng con trai lớn khi mất đã có vợ và đứa con, giờ vợ con nó bên Úc, còn tôi hiện vẫn ở với 2 đứa con sinh sau này”.
Mong muốn lớn nhất lúc này của bà Huân là người tiêu dùng sẽ ưu tiên dùng sản phẩm của các công ty trong nước, vì trải qua đợt dịch vừa rồi, hầu hết họ đều gặp khó khăn.
“Người nước ngoài mỗi năm dùng hơn 300 quả trứng, còn Việt Nam mới dùng hơn 80 quả trứng/ người/ năm, vẫn còn ít hơn họ nhiều lắm. Mong là suy nghĩ của mọi người sẽ thay đổi, đừng nghĩ ăn trứng là có hại”. Ba Huân nói, dù đã ngoài 80, bà vẫn có thể làm việc 5-16 tiếng/ ngày nhờ mỗi ngày đều ăn 2 quả trứng.
Trước thềm năm mới, mặc dù thị trường vẫn còn chậm, chưa có tín hiệu gì sẽ hồi phục được như dịp Tết hàng năm, nhưng bà Huân nói công ty mình vẫn chuẩn bị sẵn mọi người án, để nếu thị trường có cơn sốt thì Ba Huân lại sẵn sàng sản phẩm để tham gia bình ổn giá/.