Khi mới bắt đầu công việc này, chị La Duyên (hiện đang sống và làm việc tại TP HCM) là sinh viên học năm thứ 3 đại học chuyên ngành bất động sản.
Ít mối quan hệ xã hội, tiền vốn để thực hiện các công cụ marketing tìm kiếm khách hàng không có nên chị Duyên xin vào làm tại một công ty bất động sản (BĐS) danh tiếng.
Từ cộng tác viên tới nhân viên chính thức và hiện tại là giám đốc bán hàng BĐS, chị Duyên có rất nhiều kinh nghiệm và sẽ chia sẻ những thông tin và cái nhìn khách quan của bản thân với nghề nghiệp này.
Chị La Duyên (hiện đang sống và làm việc tại TP HCM) và là Giám đốc kinh doanh tại IQI Việt Nam.
Nghề sale BĐS đã giúp chị La Duyên mở ra 1 cánh cửa mới, cải thiện thu nhập và đưa gia đình vượt khỏi hoàn cảnh khó khăn.
Khi mới vào nghề 1-2 năm đầu với số lượng vài 3 tháng/giao dịch mua bán BĐS giá trị 3-4 tỷ, thu nhập bình quân của chị La Duyên rơi vào khoảng 15 - 25 triệu/tháng.
Hiện tại khi thị trường bất động sản tốt và sôi động lên, nguồn khách ổn định, chất lượng hơn, kinh nghiệm gia tăng cùng với chức vụ là giám đốc bán hàng thì chị La Duyên có thể chốt được giao dịch có giá trị lớn hơn với tần suất thường xuyên giúp thu nhập tăng lên đến 80 triệu - 150 triệu/tháng.
Thu nhập hiện tại của chị La Duyên vào khoảng 80 triệu - 150 triệu/tháng.
Chị La Duyên nhận thấy hơn 90% các công ty môi giới BĐS hiện nay đang sử dụng chủ yếu là mô hình cộng tác viên. Điều này có nghĩa là họ không trả lương cố định mà chỉ chi trả hoa hồng dựa trên doanh số giao dịch thành công.
Cũng chính vì điều này nên gần 1 năm mới vào nghề chị Duyên không có giao dịch BĐS nào thành công. Và tương ứng với đó là không có nguồn thu nhập.
"Gần nhưng những năm đầu vào nghề, mình đã cùng lúc làm nhiều công việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống và giữ đam mê với nghề. May mắn mình luôn giữ vững quyết tâm làm nhiều hơn để nhanh chóng có được giao dịch, kiếm được tiền", chị La Duyên chia sẻ.
Với sự kiên trì và quyết tâm, chị La Duyên đang gặt hái được nhiều thành công với nghề sale BĐS.
"Làm sale BĐS - bán 1 căn - ăn cả năm" - đây là câu nói mà chị La Duyên nghe rất nhiều và bản thân đã nghĩ đến khi chưa thật sự bước chân vào ngành nghề này.
Thế nhưng đây là suy nghĩ sai lầm. Bởi 1 thực tế là mọi người và chính chị ban đầu vẫn nhầm lẫn giữa "cò nhà đất" và sale BĐS.
"Mình đã từng chứng kiến cách những cò đất làm 1 căn ăn 1 năm bằng cách: Họ biết 1 người A có BĐS muốn bán với giá 5 tỷ, họ đem BĐS này đi rao bán cho người B với giá 7 tỷ và ăn chênh lệch 2 tỷ.
Họ chưa có sự hiểu biết sâu rộng về thị trường và tính chất của BĐS đó, thậm chí họ cũng không dành thời gian đi tìm hiểu rằng BĐS đó có giấy tờ pháp lý đầy đủ chưa. Và khi giao dịch thành công, họ không còn liên quan gì đến người mua và bán nữa vì họ đã thực hiện xong công việc làm trung gian rồi", chị La Duyên chia sẻ.
Nhưng với 1 người sale BĐS chuyên nghiệp sẽ có trách nhiệm tìm hiểu rõ và kỹ về BĐS đang quảng cáo. Mình sẽ cần lắng nghe và hiểu nhu cầu lẫn mong muốn của khách để có thể tư vấn và đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất.
Sau khi giao dịch xong, sale BĐS chuyên nghiệp sẽ không “bỏ đi” mà vẫn tiếp tục đồng hành cùng khách trong suốt quá trình thực hiện giấy tờ thủ tục. Thậm chí nếu đổi nhu cầu mới với BĐS sẽ tiếp tục thực hiện cùng khách hàng hoặc kết nối thêm các anh chị em môi giới khác để giải quyết nhu cầu mới đó nhanh chóng và tốt nhất có thể.
Chính vì thế, khó có chuyện bán 1 căn - ăn cả năm như nhiều người vẫn tưởng.
Làm sale BĐS - bán 1 căn - ăn cả năm là câu nói mà nhiều người thường được nghe khi nói đến nghề sale BĐS.
Khác với nhiều người lầm tưởng về mức hoa hồng mà một sale BĐS nhận được cao tới 20% hay nhiều hơn thế nữa thì hiện tại, mức % hoa hồng phổ biến thực sự của sale BĐS trên thị trường là:
- Từ 1%-2% cho các sản phẩm BĐS ở thị trường thứ cấp (chuyển nhượng).
- Từ 2-3% (tuỳ dự án) cho các sản phẩm BĐS mới phát triển được bán trực tiếp từ các chủ đầu tư đến khách hàng.
Tuy nhiên số người làm sale BĐS tự do và nhận được đúng số % hoa hồng này rất ít. Mà chủ yếu sale BĐS sẽ làm việc và hợp tác với một công ty BĐS lớn. Công ty này sẽ có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của từng BĐS, lấy BĐS về cho sale bán. Ngoài ra họ cũng bỏ chi phí thuê mặt bằng văn phòng đại diện, chi phí marketing cơ bản, lương cho nhân viên các bộ phận như tài chính, kế toán...
Chính vì thế, số % hoa hồng này sau khi nhận về sẽ chia thêm cho công ty bất động sản mà sale đang làm việc. Tỷ lệ chia sẽ khác nhau tùy chức vụ/tuỳ chính sách mỗi công ty.
Phần trăm "hoa hồng" mà một sale BĐS nhận được là từ 1% - 3% nếu làm việc tự do.
Chị La Duyên cho biết, bản thân để trở thành người sale BĐS chuyên nghiệp và được tin tưởng lựa chọn đã phải tự học rất nhiều kiến thức về thị trường BĐS như cách vận hành, thay đổi và phát triển. Mật thiết hơn là kiến thức về luật pháp liên quan đến BĐS như luật đất đai, luật nhà ở, luật Kinh doanh BĐS. Bên cạnh đó còn có cả kho kiến thức đồ sộ về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội và về tài chính - ngân hàng. Vì thế lợi ích lớn nhất mà chị có được bên cạnh thu nhập đó chính là kiến thức.
Ngoài ra, các mối quan hệ xã hội chất lượng cao đến từ khách hàng đã giao dịch BĐS với chị cũng là điều làm chị tự hào. Các khách hàng này là những người dày dạn kinh nghiệm và rất giỏi trong lĩnh vực riêng của họ. Thậm chí có người hiểu rõ về thị trường BĐS hơn cả sale vì họ đã đầu tư và “lăn lộn” với sự thay đổi của thị trường đủ lâu. Những kiến thức mà khi trò chuyện và làm việc với họ chị La Duyên tiếp thu được rất quý giá.
Khi giãn cách xã hội xảy ra, các khách hàng dù có tiền và có nhu cầu mua thật sự cũng không thể đến xem BĐS trực tiếp được. Điều này dẫn đến việc chậm đưa ra quyết định.
"Khốn khổ hơn là chính bản thân mình đã thực hiện 1 giao dịch chuyển nhượng căn hộ cao cấp tại quận 2, TP HCM thời điểm đầu tháng 6. Lúc đó dịch bệnh chưa trầm trọng. Thế nhưng từ giai đoạn đó đến bây giờ giao dịch của mình cứ “treo” dù đã hoàn tất đến 99% thủ tục và giấy tờ".
Ở thị trường BĐS sơ cấp, đã có 1 số chủ đầu tư linh động tổ chức hoạt động bán hàng trực tuyến qua Internet. Là 1 môi giới không quá phát triển tập trung về công nghệ, chị La Duyên đã phải học để thay đổi và thích nghi nhanh với việc sử dụng các công cụ giao tiếp trực tuyến online.
Việc giao tiếp với khách hàng cũng chủ yếu qua màn hình máy tính/điện thoại. Hợp đồng thì phải kí dạng điện tử tạm thời, để dịch bệnh qua đi mới bổ sung hợp đồng gốc.
Khách hàng không thể đi tham quan trực tiếp dự án, chị La Duyên phải học cách mô tả và trình chiếu vị trí dự án bằng hình ảnh thực tế từ camera vệ tinh của bản đồ.
Trước đó chỉ quen với các công cụ marketing cơ bản truyền thống như phát tờ rơi, dán giấy quảng cáo hay ngồi trực ở dự án... thì hiện tại chị cũng phải học cách quảng bá sản phẩm của mình qua các kênh online như các trang mạng xã hội/website quảng cáo và sử dụng các công cụ marketing trực tuyến.
Tuy nhiên, chị La Duyên vẫn cho rằng đây là sự thay đổi cần thiết trong bối cảnh chung. Đồng thời giúp những người làm công việc sale BĐS hội nhập và năng động hơn nữa.
Sales bất động sản hay còn gọi là môi giới bất động sản/tư vấn đầu tư động sản. Người làm công việc này sẽ dùng các công cụ marketing như đăng tin, gọi telesales, chạy quảng cáo, gửi email,... để đưa thông tin bất động sản tiếp cận đến khách hàng tiềm năng.
Khi nhận được nhu cầu từ khách hàng tiềm năng, dựa vào những yêu cầu và mong muốn của khách hàng ví dụ như mua/bán/thuê/cho thuê bất động sản thì sẽ tư vấn và đưa ra những giải pháp phù hợp dựa trên nguồn sản phẩm bất động sản đang có.
Sale bất động sản khác với cò nhà đất.
Ảnh: NVCC