Tôi bước vào nghề chứng khoán từ một sự tình cờ. Sau khi nộp chuyên đề thực tập của năm thứ tư đại học, thầy giáo dạy môn chuyên ngành hỏi tôi "Em có muốn làm chứng khoán không?". Tôi gật đầu, và đấy là lúc cuộc phiêu lưu bắt đầu!
Tôi là một môi giới chứng khoán - broker. Tôi mất bốn tháng để làm quen với các kiến thức cơ bản, học từ cách gọi tên, định nghĩa, công thức tính chỉ số Vn-Index, đến quy định về thời gian trong phiên, bước giá,… Nghĩa là ban đầu tôi hoàn toàn chẳng có chút kiến thức nào về chứng khoán cả. Sau đó tôi được anh chị dạy về phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật – những kiến thức sâu hơn để có thể lựa chọn cổ phiếu, tư vấn và sống được bằng nghề. Đó thực sự là một chân trời mới mà trước kia tôi chưa từng được biết.
Trải nghiệm cảm xúc trên bảng giá
Có lẽ những ai từng đầu tư đều không hề xa lạ với "những cuộc chiến đẫm máu" trên bảng giá. Tôi được kể lại sự kiện Biển Đông khi Trung Quốc đưa tàu vào vùng biển Việt Nam, thị trường phản ứng bằng chuỗi giảm điểm lịch sử. Tôi cũng chứng kiến sự kiện Brexit trong ngày bỏ phiếu ở đất nước xa chúng ta vài trăm nghìn ki-lô-mét, có những mã tăng trần và phần lớn các mã khác đều giảm. Hay như sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, cả sàn ngồi "F5" liên tục cập nhật tình hình cho đến lúc có kết quả, chúng tôi mỗi người một cảm xúc khi nhìn màu sắc cổ phiếu trên bảng giá.
Có những ngày anh chị em hay gọi là ngày "cả làng đều vui", chỉ số Vn-Index chinh phục những ngưỡng cản như 590 điểm, 700 điểm hay 800 điểm. Nhất là khi trong danh mục có những mã cổ phiếu tăng mạnh, niềm vui còn nhân lên gấp nhiều lần.
Cảm xúc vui buồn lẫn lộn vào những đợt review các quỹ ETF, đặc biệt là trong phiên ATC. Khi quy định về đặt, huỷ lệnh trong phiên ATC chưa được áp dụng, chỉ cần nhìn "lệnh chất" liên tục và huỷ lúc 14h43 cũng đã đủ hấp dẫn một kẻ mới vào nghề như tôi. Sau này, quy định mới được ban hành, tôi bị cuốn hút khi nhìn những màu xanh lơ và tím ngắt của phiên ATC trong ngày thứ Sáu thứ 3 của tháng cuối cùng mỗi quý. Thậm chí, trong 1-2 phút chờ đổ lệnh cuối phiên cũng khiến tôi mong ngóng không yên.
Trải nghiệm kho kiến thức mênh mông
Làm môi giới chứng khoán, điều quan trọng nhất là phải hiểu cổ phiếu, hiểu thị trường. Một loạt câu hỏi đặt ra, ví dụ ngành than khác với ngành dệt như thế nào, đầu vào lấy ở đâu, đầu ra bán cho ai, tháng nào là tháng cao điểm, vị thế các doanh nghiệp trong ngành ra sao, giá cổ phiếu đã phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp chưa. Hay cùng ngành thép, công ty sản xuất thép xây dựng có điểm gì khác so với công ty sản xuất tôn, dây chuyền sản xuất của công ty có tính ưu việt như thế nào so với các công ty khác, vị thế của công ty như thế nào trong các doanh nghiệp cùng ngành. Hoặc về thị trường chung, với diễn biến chung đang xấu liệu có cổ phiếu nào có khả năng đi ngược lại, yếu tố nào đang tác động đến một nhóm ngành khiến giá cổ phiếu tăng…. Để trả lời được những câu hỏi trên, chẳng còn cách nào khác ngoài việc liên tục học hỏi, trau dồi kiến thức.
Về phân tích cơ bản, ban đầu tôi rà soát tất cả các kiến thức tài chính tôi đã được học trong trường đại học, thậm chí làm lại bài tập những phần tôi còn vướng. Tôi tìm đọc các báo cáo phân tích vĩ mô, ngành trong ba năm trở lại đây. Ban đầu, khi chưa biết nhiều mã cổ phiếu, tôi nhờ anh chị chọn cho tôi một mã mỗi ngày để về nhà phân tích, tìm hiểu. Đến khi tôi tự lọc được cổ phiếu, tối nào tôi cũng mày mò tìm thông tin, viết báo cáo, định giá cổ phiếu.
Về phân tích kỹ thuật, tôi học cách đọc nến, các chỉ báo, học cách dự báo giá. Ban đầu, nguyên việc nhớ tên các hình mẫu đã là một vấn đề. Tối nào tôi cũng phải ngồi lọc thủ công vài trăm mã cổ phiếu để nhớ hình dạng chart (đồ thị), vừa nhìn vừa so sánh với hình mẫu xem có mã nào đã vào hình hay không và sáng hôm sau đi làm nhờ anh chị kiểm tra lại. Sau này, khi thành thạo hơn một chút, tôi bắt đầu tự dự báo dựa trên bộ chỉ báo của riêng mình.
Trong phiên, tôi theo dõi diễn biến thị trường, cập nhật thông tin qua các kênh báo chí, các room, diễn đàn. Những phiên đặc biệt, tôi ghi chép lại sự thay đổi của nến và khối lượng, những mã cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhất để tìm nguyên nhân. Tôi tham khảo các nguyên tắc đầu tư, quản trị danh mục và tìm nguyên tắc cho riêng mình.
Thật may mắn, tất cả những gì tôi làm đều có anh chị đi trước chỉ dẫn tận tình.
Trải nghiệm nghề sale theo một cách rất khác
Sếp tôi từng nói một câu, đại ý rằng "Tư vấn môi giới chứng khoán là loại hình bán hàng khó nhất trong các loại bán hàng. Bởi khi chúng ta bán một mặt hàng hữu hình nào đó, chúng ta học thuộc đặc điểm, tính năng của nó và mang đi bán. Còn nghề môi giới chứng khoán, chúng ta đi bán niềm tin, mà niềm tin là thứ khó bán nhất trên đời này."
Vì thế, để bán được niềm tin cho khách hàng, tôi quyết tâm trở thành một "môi giới xịn". Tôi tư vấn cho khách hàng những mã cổ phiếu mà tôi bỏ công sức ra phân tích, tìm hiểu. Tôi chỉ cho khách hàng thấy cơ sở khi tư vấn mua, bán hay nắm giữ. Tôi cũng cố gắng trao đổi với khách hàng những kiến thức tôi thu lượm được, bởi tôi quan niệm rằng: "Khi khách hàng có lãi, khách hàng không bao giờ rời xa bạn. Bạn muốn sống bằng nghề, hãy tư vẫn cho khách hàng có lãi".
Cũng như những nghề sale khác, tôi gặp vô vàn tình huống dở khóc dở cười. Khách hàng không nghe tư vấn sau đó bị lỗ; hệ thống đặt lệnh gặp trục trặc và khách hàng không kịp mua bán như dự định; khách hàng nghe thông tin bên ngoài, thiếu tính chính xác và đầu tư không hiệu quả; khách hàng không cắt lỗ khi ra quyết định sai,… Những lúc đó, tôi phải thật bình tĩnh để giải quyết sao cho khách hàng hài lòng nhưng cũng phải đủ thuyết phục để khách hàng không lặp lại lần sau.
Tôi xin kể một câu chuyện nho nhỏ của mình. Vị khách đầu tiên trong nghề của tôi là một khách hàng lưu ký chứng khoán. Sau khi tôi làm thủ tục lưu ký cho chị, tôi hẹn khi nào cổ phiếu về tài khoản sẽ gọi điện thông báo cho chị. Ba ngày sau theo đúng lịch hẹn, tôi gọi chị nhưng chị bận nên không kịp nghe máy. Buổi tối về nhà, tôi nhắn tin và hướng dẫn chị cách kiểm tra tài khoản. Sau đó câu chuyện qua lại, tôi chia sẻ về những điều mà tôi học được từ nghề, và thật bất ngờ, chị đồng ý bỏ một số tiền nho nhỏ để "chơi thử". Một năm sau, chị là khách hàng có NAV (Net asset value ) – Giá trị tài sản thuần lớn nhất, giá trị phí giao dịch lớn nhất trong số những khách hàng của tôi.
Lời kết
Nói chứng khoán là một cuộc phiêu lưu hoàn toàn không hề sai. Bởi thị trường biến đổi từng giây từng phút và mỗi người khi tham gia vào cuộc phưu lưu ấy đều phải thật tỉnh táo và sáng suốt trong mỗi click chuột. Với tôi, được làm nghề là một điều may mắn và vô cùng tự hào. Bởi nghề không chỉ cho tôi thu nhập mà còn cho tôi kiến thức, những mối quan hệ xã hội và sự trưởng thành từng ngày.