Trước thông báo đi làm trực tiếp, trong khi con lớp 1 cần mẹ kèm học online, chị Trần Thị Nhi phải từ bỏ công việc có mức thu nhập hơn 30 triệu đồng.
Sau 5 tháng làm việc tại nhà vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khi đi làm trở lại từ đầu tháng 10 cũng là lúc chị Trần Thị Nhi, 35 tuổi, ở quận 7, TPHCM nghỉ việc.
Lúc đó, chị đang là trưởng dự án tại bộ phận bảo hiểm ngân hàng V., không việc không quá áp lực với mức thu nhập khá, trên 30 triệu đồng/tháng. Chỉ còn quý cuối cùng của năm là nhận lương, thưởng Tết, chị Nhi tính ráng nhưng thấy không ổn.
Con gái chị năm nay vào lớp 1 tại trường song ngữ, phải có người kèm cặp, hỗ trợ. Kể cả thuê người, họ cũng chỉ giữ trẻ chứ không giải quyết được vấn đề học hành của con.
Chị Nhi hiểu rõ, phụ nữ thời nay, dù lương thấp cũng nên đi làm nhưng điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời điểm. Công việc của chồng trôi chảy, thu nhập ổn nên gia đình không bị áp lực tài chính. Chưa kể, chị ở nhà nhưng vẫn có thu nhập ổn từ kinh doanh online.
Nữ nhân viên tiết lộ vốn là người hay nhảy việc. Lâu nay, một nơi chị chỉ làm 2 - 3 năm là đổi chỗ. Sau này, khi con đã tới trường, nếu có nhu cầu đi làm lại, chị không quá khó khăn để tìm việc mới.
"Phụ nữ khi phải gánh nhiều trách nhiệm quá thì phải cân nhắc, lựa chọn. Rất khó để mà ôm đồm tất cả mọi việc. Còn thời điểm này, với tôi ở nhà làm mẹ, kèm cặp con là ưu tiên hàng đầu, quan trọng hơn thu nhập, công việc", chị Nhi bộc bạch.
Sốc tâm lý vì nghỉ việc chăm con
Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng từ bỏ công việc trong tâm thế chủ động như chị Nhi. Trước bối cảnh dịch bệnh, trường học chưa mở cửa, nhiều kênh hỗ trợ khác khó tiếp cận không ít người phải bỏ việc vì không còn lựa chọn.
Cả tháng nay, chị Trần Thị Điệp, ở quận 11, TPHCM suy sụp khi phải nghỉ việc vì không thể thu xếp được người giữ con để đi làm.
Chị có 2 cháu, bé lớn lên 7, bé sau chưa được 2 tuổi. Trường học chưa mở, ông bà không thể vào hỗ trợ, thuê người không xong... Chị không còn cách nào khác.
"Hồi đầu tháng 10, tôi thuê một bác trong chung cư sang trông giúp nhưng không ổn, họ xoay xở không nổi với hai bé. Tôi cũng tìm người nhưng không được", người mẹ ngầm ngùi.
Hết cách, chị Điệp phải bỏ việc ở nhà giữ con. Từ người có thu nhập ổn định, mức lương tầm 15 triệu đồng/tháng, giờ chị Điệp phải chấp nhận ở nhà, mọi chi phí đều phụ thuộc hết vào đồng lương của chồng.
Mất việc làm, thu nhập, kinh tế gia đình khó khăn, chị bị sốc tâm lý, suy sụp, nhiều hôm ở nhà vừa ôm con vừa khóc, đêm không ngủ được. Không chỉ phải đối diện với hoàn cảnh bế tắc hiện tại, chị Điệp càng lo lắng hơn khi nghĩ đến tương lai của mình.
"Tôi không phải là người nhanh nhẹn, năng động, lại gắn bó công việc này từ lâu. Ở tuổi của mình, với nhiều vướng bận con cái, gia đình tôi thật sự hoang mang khi sau này phải đi tìm việc trở lại", người phụ nữ 39 tuổi trải lòng.
Người mẹ hai con nói thêm, hai vợ chồng chị cùng đi làm, có thu nhập tương đương. Nhưng từ lâu mặc định việc chăm con, giữ con, mọi vấn đề trong gia đình thuộc về vợ. Hết dịch, anh đi làm trở lại, không hề vướng bận đến việc hai con giữ thế nào, gửi ra sao.
Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 và bùng phát khắp thế giới gần 2 năm qua tác động đến tất cả mọi người. Trong đó, trong đó phụ nữ là đối tượng chịu tác động lớn về việc làm, mất thu nhập, gánh nặng việc chăm sóc con cái và công việc gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, để mở cửa trở lại, các ngành hoạt động, phục hồi kinh tế... cần phải tính toán cho học sinh trở lại trường. Đây là điều rất quan trọng để phụ huynh có thể yên tâm đi làm vừa là điều kiện cơ bản để giúp ổn định xã hội.
Theo kế hoạch của TPHCM, học sinh cuối cấp có thể đi học lại vào tháng 12 tới, các khối lớp các có thể lần lượt quay lại trường vào tháng 1/2022.
Vậy nhưng, nhiều phụ nữ đã không thể chờ trường học hoạt động trở lại, họ phải bỏ việc, mất việc làm... vì gánh nặng con cái, gia đình.
Mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM ghi nhận tình trạng nhân viên nữ nghỉ việc xuất phát từ lý do không có người chăm sóc con. Làm mẹ, nuôi dạy con là công việc áp lực nhất nhưng không đi làm, chị em lại rơi vào tình trạng bị phụ thuộc tài chính cũng như nhiều áp lực về tâm lý.
(Theo Dân Trí)