Tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC không lâu sau khi đắc cử, Nữ thủ tướng Jacinda Ardern đã dành thời gian thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit) 2017 với chủ đề Hiệu quả tài nguyên và tăng trưởng bền vững. Ngoài nữ thủ tướng sinh năm 1980, tham dự phiên thảo luận còn có ông Mark Konyn, trưởng văn phòng đầu tư của AIA; ông Robert S. Franklin, Phó chủ tịch tập đoàn Exxon Mobil và bà Thái Hương, chủ tịch TH Truemilk.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Ardern thừa nhận những sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, vấn đề cần thiết là tập trung vào tương lai để có một môi trường sạch và bền vững. Đề cập tới quá trình này, bà Ardern cho biết chính phủ New Zealand đang lập kế hoạch đưa ra những quy định rõ ràng và cụ thể vào năm 2025.
“Chúng tôi kiến nghị thành lập uỷ ban Biến đổi khí hậu để đối diện với vấn đề này. Theo đó , New Zealand đặt kế hoạch giảm lượng khí thải carbon vào năm 2035 đồng thời khuyến khích thành phố xây dựng hạ tầng xanh nằm đảm bảo hoàn thành chương trình về biến đổi khí hậu vào năm 2020”, bà Ardern nói.
Theo người đứng đầu chính phủ New Zealand, lĩnh vực chăn nuôi cũng như nông nghiệp đang đẩy mạnh cải tổ để hiểu rõ làm cách nào để bò và cừu của New Zealand được chăm sóc tốt hơn. Bảo vệ môi trường đòi hỏi những cái giá của nó nhưng nó cũng mang đến những cơ hội tăng trưởng không hề nhỏ cho một đất nước phụ thuộc nhiều vào nôgn nghiệp như New Zealand.
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Getty
“Mỗi năm, chính phủ dành hơn 500 tỷ USD để hỗ trợ các nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch. Theo tôi, con số này là lớn nhưng cũng cần tập trung vào những chính sách và khuyến nghị phù hợp để đảm bảo sử dụng nguồn năng lượng mới một cách bền vững”, bà Ardern nói.
Ngoài ra, nữ thủ tướng New Zealand cũng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp cần sự chắc chắn để đầu tư và phát triển nên trách nhiệm của chính phủ là đưa ra các luật lệ quy định có tính tạo động lực để giúp thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ cần sự cải cách bởi nếu không có sự rõ ràng về lâu dài, sẽ rất khó khăn.
“Cần phải đưa vấn đề chính trị khỏi môi trường, ngừng tranh cãi về việc biến đổi khí hậu có phải do con người tạo ra hay không mà thay vào đó là tìm cách để đối phó với biến đổi khí hậu. Ủy ban giám sát biến đổi khí hậu của New Zealand sẽ có trách nhiệm giám sát chính phủ qua nhiều nhiệm kỳ và trở thành công cụ phát huy hiệu quả lâu dài”, bà Ardern tin tưởng.
Để các nước khác nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, bà Ardern cho rằng mỗi cá nhân vừa phải đảm trách vai trò của người bảo vệ nhưng cũng đồng thời là một nhà vận động. “Châu Á – Thái Bình Dương là nơi nhìn thấy rõ ràng nhất tác động của biến đổi khí hậu. Nước biển dân khiến nhiều ngôi làng biến mất. Người dân sống ở những ngôi làng này không cần chúng ta thảo luận trên các diễn đàn mà là bắt tay vào hành động. Chúng ta cần là người có trách nhiệm và làm những gì có thể”, bà Ardern nhấn mạnh.
Nữ thủ tướng 8x cũng nhấn mạnh New Zealand sẽ dẫn đầu trong cải cách nông nghiệp và phấn đấu sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Môi trường cũng là vấn đề sống còn với quốc gia này bởi phần lớn sản phẩm xuất khẩu của New Zealand là nông nghiệp. Kinh tế và môi trường không nên là những vấn đề riêng rẽ mà cần gộp chung trong quá trình phát triển.
“Chúng tôi ko hề mù quáng trước vấn đề biến đổi khí hậu. Nó ảnh hưởng tới cả các nước đang và đã phát triển. Các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cần tạo ra sự cân bằng nhưng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chúng ta cần cùng chung ta để bảo vệ môi trường và áp dụng công nghệ và kỹ thuật vào để đẩy nhanh nỗ lực đó”, nữ thủ tướng Ardern nhấn mạnh.