Năm 2020, Trần Thị Lạc Thanh về Việt Nam sau 18 năm học tập và làm việc tại nước ngoài. Cô tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học máy tính từ trường UMass, Amherst, Mỹ, sau đó về làm việc khoa học dữ liệu ở Twitter và LinkedIn ở Silicon Valley trong nhiều năm. Công việc của cô chuyên về ứng dụng Machine Learning, thí nghiệm, phân tích hành vi người dùng để giúp tăng lượng người dùng và tương tác của các ứng dụng này.
Về Việt Nam, chị Thanh làm việc tại một tập đoàn công nghệ, phụ trách nhóm làm data cho ứng dụng điện thoại nhiều người dùng nhất Việt Nam. Khi đó, ở một công ty khác, giám đốc công nghệ Thái Trí Hùng của MoMo đã quyết tâm theo đuổi Trần Thị Lạc Thanh và quyết mời về phụ trách mảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Suốt một năm trời, MoMo bền bỉ “yêu đơn phương” Trần Thị Lạc Thanh nhưng cô chưa đồng ý.
Đến lần thứ 2, CTO của MoMo đã phải cử một team sang thuyết phục Trần Thị Lạc Thanh về tầm nhìn của một công ty công nghệ Việt, cuối cùng cô gật đầu về làm Giám đốc Khoa học dữ liệu của MoMo, phụ trách mảng ứng dụng AI vào sản phẩm Growth và Discovery, quảng cáo, và xây dựng các nền tảng cho marchine learning và thí nghiệm để mở rộng sử dụng của dữ liệu lớn và AI.
Trước đó chị làm việc các công ty lớn nước ngoài, lý do nào chị về Việt Nam và gia nhập MoMo?
Tôi đi học đại học, tiến sỹ ở nước ngoài rồi làm việc ở nước ngoài gần 18 năm trước khi về Việt Nam (đầu năm 2020). Về Việt Nam thì hội tụ rất nhiều lý do, trong đó có lý do là tôi làm việc ở nước ngoài một thời gian dài, nên muốn về gần với gia đình hơn.
Về công việc, tôi nghĩ mình làm bên đó lâu, cũng quen với môi trường và cũng học hỏi, phát triển được nhiều nên tôi muốn thử sức về Việt Nam trong 1 môi trường mới mà tôi nghĩ có thể những đóng góp của mình ý nghĩa hơn từ những cái mình học hỏi ở bên kia.
Đang làm việc ở môi trường nước ngoài chuyên nghiệp, về Việt Nam chị có cảm thấy bị ‘sốc’ văn hóa trong công việc không?
Nói sốc thì cũng không hẳn, nhưng có nhiều cái cần thay đổi để quen với công việc mới. Về công việc, tôi làm ở các công ty lớn thì khối lượng công việc cũng lớn nhưng nó khá là thuần thục và định hình nên mọi thứ vận hành theo 1 cái guồng, setup sẵn sàng cho mình vô rồi mình vận hành thôi.
Các công ty ở Việt Nam tôi nghĩ cũng đang mong muốn và dần setup 1 cái gì đó chuẩn, tối ưu hơn, nhưng chưa hoàn toàn định hình thì mình vào vừa làm quen, vừa tự đóng góp xây dựng khi có thể. Vừa làm vừa xây dựng team, xây dựng quy trình có thể vất vả hơn chút, cũng hơi lo lắng nhưng khá thú vị vì được khám phá, thử thách khả năng của mình.
Từ các kinh nghiệm đã học ở các công ty và môi trường nước ngoài, về MoMo chị đã phát huy thế mạnh của mình như thế nào?
Tôi nghĩ ngoài kiến thức chuyên môn, 1 phần khác là cách làm việc, như cách tiếp cận bài toán AI, cách vận hành trong team, sự kết hợp làm việc giữa các bộ phận… Ví dụ khi muốn ứng dụng AI vào Kinh doanh, vào Sản phẩm, trước tiên mình cần đánh giá sự tác động có thể có, và chỉ làm khi thấy tiềm năng. Muốn như vậy mình cần định nghĩa các chỉ số để đo lường rõ ràng, có ý nghĩa, theo dõi được nó như thế nào. Đó là các vấn đề mà tôi tập trung khá nhiều trong thời gian gần đây.
Mục tiêu ngắn hạn hay trung hạn thì tôi vẫn muốn mình có cái dấu ấn nhiều hơn trong xây dựng và phát triển Data team, AI team mạnh và mang đến sự ảnh hưởng tích cực.
Với vai trò của chị là Giám đốc Khoa học Dữ liệu, chị có đóng góp như nào trong định hướng phát triển AI-First của MoMo?
Theo cách nhìn của tôi, ứng dụng của AI rất rộng. Ở MoMo, khi người dùng mở Ứng dụng, họ dùng các tính năng thì tính năng đó có được AI tích hợp vào giúp tăng trải nghiệm của người dùng. Tôi và team đang làm là tập trung đưa AI vào để tăng trải nghiệm của người dùng. Những dự án đã và đang làm theo sát hành trình của người dùng (user’s journey) từ lúc đăng nhập vào app rồi tìm hiểu các dịch vụ trên app theo nhu cầu, tìm các deal, thông tin, nhận được thông báo,... Đó là những cái mà AI đang tích hợp vào với những ứng dụng thực tiễn. Thậm chí người dùng họ không hề biết là AI trong đó khi trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ.
Tôi nghĩ việc tăng trải nghiệm người dùng là rất quan trọng. Nền tảng ứng dụng MoMo là cốt lõi của mô hình kinh doanh. Người dùng chỉ vào ứng dụng MoMo khi cảm thấy hữu ích, đáp ứng được nhu cầu của họ. Khi hài lòng, người dùng mới quay lại dùng nhiều hơn và lúc này là cơ hội để MoMo phát triển được mảng kinh doanh đằng sau. Do đó việc thu hút và giữ chân người dùng trên nền tảng MoMo là ưu tiên hàng đầu. Để được như vậy mình cần tạo ra những trải nghiệm để người dùng cảm thấy hạnh phúc và đây cũng là tôn chỉ của MoMo "Happy Users" và AI sẽ là 1 phần để đạt được mục tiêu đó.
Cụ thể, ở MoMo chị dùng AI nâng cao trải nghiệm khách hàng như thế nào?
Hiện tại mình đề xuất các dịch vụ của MoMo khi người dùng mới tham gia MoMo để họ có thể làm quen với app và thấy sự tiện lợi nhanh chóng. Hoặc khi người dùng vào chợ deal mua deal mình cũng giới thiệu những deal phù hợp với nhu cầu của người dùng, ví dụ như người này thường đi siêu thị sẽ đề xuất deal siêu thị, người khác thích ăn uống thì đề xuất deal trà sữa, quán xá.
1 phần nữa là khuyến mãi ưu đãi, những người dùng mà mình nghĩ họ quan tâm đến khuyến mãi thì MoMo sẽ là 1 kênh để họ nhận thông tin khuyến mãi ưu đãi phù hợp với nhu cầu của họ.
Đây là những cái mình đã và đang làm, và đã phần nào có kết quả. Sắp tới mình sẽ có nhiều ứng dụng vào nhiều sản phẩm hơn nữa, ví dụ người dùng vào tìm kiếm một từ khóa nào đó, mình sẽ cho họ thấy ra những cái phù hợp với người đó, tương tự với quảng cáo, thông báo sẽ là những nội dung cá nhân hoá cho người dùng.
So với các công ty trước đó chị làm, MoMo có lượng người dùng lớn, có Data lớn, đó có phải thuận lợi không?
Tôi nghĩ ở Việt Nam, MoMo là công ty Tech có số lượng người dùng lớn, cái đó là cái ưu điểm và là cái thu hút người làm về Data. Data của MoMo cũng thú vị vì đa dạng, có nhiều dịch vụ, sản phẩm.
MoMo trong tưởng tượng của chị và thực tế khi vào làm việc có khác nhau không?
Tôi thấy không có nhiều khác biệt. Tôi từng nói chuyện với anh Nguyễn Mạnh Tường - Phó Chủ Tịch HĐQT, Đồng Tổng Giám Đốc và chị Manisha - Phó Tổng Giám Đốc cấp cao phụ trách Tài chính, Nhân sự của MoMo, cũng như các anh chị khác trong ban lãnh đạo, và ấn tượng bởi tầm nhìn của mọi người về mong muốn góp phần xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt để mang lại sự an toàn, tiện lợi cho người dùng
Chị hình dung gì về những thành quả mà chị và Hội đồng AI có thể tạo ra tại MoMo?
Tôi nghĩ AI sẽ đóng góp, đẩy nhanh tiến trình mà MoMo đang hướng tới ở trên.
"Người dùng thậm chí không biết đó là AI khi trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ" - bà Trần Thị Lạc Thanh, giám đốc Khoa học Dữ liệu MoMo
Là nữ tướng duy nhất ở Hội đồng AI của MoMo, chị có gặp khó khăn không?
Thực sự thì tôi cũng khá quen làm việc trong môi trường ít phụ nữ rồi, với lại các anh trong Hội đồng AI của MoMo cũng hợp tác, hỗ trợ nhiều nên cũng không khó khăn gì.
Chị hình dung thế nào về bản thân trong 5-10 năm tới?
Giờ thì tôi vẫn hướng đến một con đường duy nhất là AI và Data và hy vọng rằng trong 5-10 năm tới bản thân sẽ có nhiều đóng góp, dấu ấn trong nhiều lĩnh vực ứng dụng hơn.
Công nghệ thường là lĩnh vực thế mạnh của cánh mày râu, điều gì khiến chị quyết tâm theo đuổi ngành này?
Đúng là trong ngành Tech nói chung và AI nói riêng thường có ít phụ nữ. Với riêng tôi từ khi học cấp 3, tôi thích và cũng có năng khiếu hơn về các môn tự nhiên, tin học, nên chọn học Công nghệ thông tin. Học rồi thì thấy cũng hứng thú, nên học tiếp, rồi theo đuổi công việc ngành này luôn.
Theo chị, sẽ có những khó khăn nào khi một phụ nữ chọn theo đuổi AI, Tech?
Tôi nghĩ cũng không quá nhiều khó khăn lớn. Chỉ là đôi khi cảm thấy hơi "lẻ loi" khi cả một lớp học, phòng ban chỉ có mình là nữ. Nên với tôi rào cản ở đây chỉ là cảm giác thôi, nếu các bạn có hứng thú, đam mê, hãy cứ thử sức và theo đuổi.
Chị có thường xuyên bị stress, cô đơn không?
Cũng có. Trong công việc nhiều khi cũng có những ups and downs, có những vấn đề làm mình cảm giác hơi bị chững lại, mà điều này chắc ai cũng có. Nhưng quan trọng làm sao mình cố gắng kiểm soát được, thay vì để tình huống kiểm soát mình, nhận thức được vậy sẽ làm mình đỡ stress hơn.
Chị sẽ nói gì với các bạn trẻ, nhất là các bạn nữ có ý định theo đuổi lĩnh vực Tech, cụ thể là AI?
Tôi nghĩ AI nói riêng hay Tech nói chung là ngành đang ngày càng cần thiết. Cũng giống như MoMo bắt đầu ứng dụng AI, nhưng tương lai AI sẽ áp dụng được cho rất nhiều sản phẩm. Vai trò của AI đang ngày càng lớn, nhu cầu ngày càng nhiều. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ muốn thử sức trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên đây cũng là ngành có sự thay đổi nhanh, nếu mình muốn theo đuổi thì cần học hỏi liên tục. Đối với phụ nữ, đôi khi sẽ vấp phải những khó khăn nhất định khi vừa phải quán xuyến chuyện gia đình vừa lo cho sự nghiệp. Tuy nhiên, tôi nghĩ với sự ủng hộ của người thân, đồng nghiệp, và mong muốn của bản thân thì mình sẽ làm được thôi.
Giữa gia đình và sự nghiệp, chị thường ưu tiên bên nào hơn?
Với tôi gia đình vẫn là ưu tiên trước nhất của mình. Tôi có khoảng thời gian xa nhà, việc quay lại Việt Nam cũng đã giúp tôi có thêm thời gian bên người thân, bạn bè.
Hiện tại tôi đang làm việc ở TP. HCM, không sống cùng gia đình lớn (Huế) và chưa lập gia đình riêng, nên thành ra vẫn dành nhiều thời gian cho công việc. Các dịp lễ tết, khi có thời gian rảnh, thì tôi đều tranh thủ về thăm nhà.
Chị tự nhận xét về bản thân, tính cách của mình thì sẽ thế nào?
Giữa hướng nội và hướng ngoại thì tôi là hướng nội nhiều hơn. Nhưng tới giờ tôi vẫn thích làm việc, tương tác nhất là với các bạn trẻ, làm mình như được trẻ hơn (cười).
Ngoài công việc, tôi dành thời gian chạy bộ, đi đạp xe để giữ sức khỏe, đi hiking, đi du lịch. Tôi thích đi ra thiên nhiên ngắm cảnh. Còn lại nếu không đi đâu, tôi sẽ ở nhà nghỉ ngơi, coi phim, rảnh thì nấu ăn dù không giỏi mấy (cười).
Câu quote yêu thích của chị?
Mahatma Gandhi: "Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này".
Câu này tự thúc đẩy mình đi theo cái hướng mình mong muốn dù là nhỏ thôi nhưng cố gắng hành động để tạo ra sự thay đổi.