Tại Mekong Capital, Giang chịu trách nhiệm trực tiếp hỗ trợ các công ty trong danh mục đầu tư tuyển dụng nhân sự cấp cao; kiến tạo văn hóa doanh nghiệp và là người truyền cảm hứng giúp họ quản lý nguồn nhân lực và hiện thực hóa tầm nhìn.
Tự nhận mình là một người "ồn ào" và máu lửa, Minh Giang đã dành thời gian trả lời Trí thức trẻ về chặng đường 10 năm qua ở Mekong Capital, nơi cô đã góp phần tạo ra "một bể cá nước mặn" có một không hai tại Việt Nam.
Giữ vai trò Tổng giám đốc phụ trách mảng nhân tài và văn hoá doanh nghiệp của Mekong Capital, nhìn lại chặng đường 10 năm qua chị nhận thấy mình đã làm được gì?
Mình chẳng làm được việc gì lớn (cười).
Khi nhắc đến Mekong Capital mọi người thấy điểm khác biệt so với các quỹ khác nhờ chú trọng vào văn hoá doanh nghiệp. Mình chỉ là người làm sống và lưu giữ nó, tiếp tục truyền lửa để văn hóa đó trở thành môi trường cá nước mặn giữ chân các con cá nước mặn khác.
10 năm trước nếu đề cập đến việc đầu tư công sức vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì các CEO chỉ nghĩ đó là chuyện văn thể mỹ và không tập trung. Nhưng đội ngũ của Mekong Capital đã đi đầu trong việc nâng tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và chứng thực là các khoản đầu tư của mình thành công như MWG, Pizza 4P’s, F88..
Văn hoá doanh nghiệp ở đây sẽ được hiểu như thế nào?
Có nhiều định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp, theo anh Tài Thế giới di động (ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG), thì văn hoá doanh nghiệp là tập hợp niềm tin của doanh nghiệp về tầm nhìn, sứ mệnh và cách thức thái độ, hành vi mà đội ngũ nhân viên giao tiếp và phối hợp với nhau trong môi trường công ty, giúp họ đạt được một mục tiêu chung.
Nhiều công ty cho rằng họ có văn hóa doanh nghiệp nhưng thường dừng lại ở các câu khẩu hiệu trên tường. Để biết được văn hóa một công ty như thế nào phải nhìn vào cách thức nhân viên giao tiếp phối hợp với nhau, với khách hàng và người bên ngoài như thế nào.
Hình tượng một doanh nghiệp giống như một con tàu, tầm nhìn sứ mệnh là đích đến nhưng để đến được đích phụ thuộc vào các thuỷ thủ trên tàu phối hợp với nhau như thế nào.
Vậy chị đã giúp Mekong Capital lan toả văn hoá doanh nghiệp như thế nào?
Mỗi công ty từ khi hình thành đã có sẵn văn hóa của riêng mình, việc Mekong Capital đầu tư sẽ cùng các công ty đó nhận ra văn hóa nào cần thiết thật sự để giúp họ đạt được tầm nhìn.
Để làm được điều này Mekong Capital đã tổ chức nhiều chuyến học tập ra nước ngoài để các CEO tới thăm các công ty có mô hình văn hoá doanh nghiệp thành công, họ sẽ học, trải nghiệm và nhận ra điều gì là cần thiết và áp dụng cho công ty mình.
Ví dụ như Pizza 4P's, họ đã có tinh thần Omotenashi (tinh thần hiếu khách, coi khách hàng là thượng đế) từ trước, nhưng đó là khi Pizza 4P's chỉ có vài nhà hàng. Làm sao khi Pizza 4P's mở rộng ra hàng chục nhà hàng vẫn giữ được nguyên tinh thần đó và lan toả giá trị cốt lõi đó đến 1.000 - 2.000 nhân viên thì Mekong Capital sẽ là đối tác giúp Pizza 4P's thực hiện.
Hay như Nhất Tín Logistic là công ty về giao hàng, trước khi Mekong Capital đầu tư họ biết đến việc giao hàng đúng giờ rất quan trọng, nhưng họ có thực sự coi trọng và làm mạnh mẽ để toàn nhân viên của mình phải đúng giờ hay không thì chưa. Mekong Capital giúp họ nhận ra, để đạt được tầm nhìn trở thành một công ty uy tín trong ngành vận chuyển thì đúng giờ sẽ là yếu tố sống còn.
Không ai áp đặt được ai làm gì cho đến khi họ nhận ra điều đó là cần thiết, do đó văn hoá doanh nghiệp sống hay không phải xuất phát từ các CEO. Họ là người nhận ra tầm quan trọng của việc thực sự phải xây dựng một cách bài bản về văn hóa doanh nghiệp và mình sẽ hỗ trợ họ để nuôi dưỡng, lan tỏa văn hóa đó.
Nói chỉ gạch đầu dòng 3-5 cái nhưng để văn hoá doanh nghiệp của một công ty sống thành hình phải mất 3 năm.
Ai là ảnh hưởng nhất với chị ở Mekong Capital?
Chắc là Chris Freund (founder, Tổng giám đốc Mekong Capital) (cười).
Nếu mọi người hỏi sẽ thấy đây là 2 con người khác nhau. Mình rất ồn ào nhưng Chris thì nhẹ nhàng, yên tĩnh, mọi người bên ngoài chắc sẽ nghĩ 2 người này trái ngược nhau thế thì sẽ cãi nhau đôm đốp, nhưng thực ra nhờ văn hóa và giá trị cốt lõi của Mekong Capital nên cho dù tính cách mỗi người khác nhau nhưng vì mục tiêu chung nên không có bị mâu thuẫn lắm. Mình rất biết ơn Chris Freund.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị ở Mekong Capital?
Ở Mekong Capital tuần nào tháng nào cũng có kỉ niệm vui, nhưng có một kỉ niệm đáng nhớ là dịp quỹ chào đón một đoàn khách làm trong lĩnh vực đầu tư đến thăm công ty. Nhóm Mekong Culture Cultivator (Ban Nuôi Dưỡng Văn Hóa) do mình phụ trách chịu trách nhiệm hướng dẫn đoàn. Mình nói với họ rằng chị sẽ đón tiếp họ như những nhân viên ngày đầu mới vào công ty để họ cảm nhận được văn hóa và hình dung tầm nhìn của Mekong Capital đến năm 2025 như thế nào.
Đoạn clip giới thiệu về công ty rất vui, lồng ghép những cảnh rất mắc cười và hài hước, và cả đoàn đã cười ngất ngây. Họ đi quanh công ty thấy những góc nhỏ của Mekong Capital có đặt hộp kẹo và ghi dòng chữ "if you're happy, take me please ". Lúc đi về có thành viên trong đoàn nhận xét: "Tôi không nghĩ trong môi trường private equity và finance lại cool như thế".
Nhiều người nghĩ tới Mekong Capital hay nghĩ tới ngành tài chính đều hình dung ra tụi mình chỉ biết đến tiền bạc, đầu tư và luôn căng thẳng nhưng thực ra hoàn toàn khác.
Hay kỉ niệm đi thiền ở Thái Lan. Khi đó cả team Mekong Capital cùng gia đình qua làng Mai ở Thái Lan đi thiền 5 ngày. Đến lúc lên máy bay mọi người đều nghĩ qua đó sẽ chán và nhạt nhẽo lắm nhưng thực ra trải nghiệm rất khác.
Có thể cuộc sống hàng ngày mình quá nhanh nên mình quên những giây phút mình biết ơn, mình được học cách đi như thế nào để mình hiện diện nhất, ăn như thế nào để hiện diện với món mình đang ăn, học cách yêu thương với chồng. Đó là trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và ấn tượng.
Là Tổng giám đốc phụ trách nguồn nhân lực của Mekong Capital và hệ thống các công ty trong danh mục đầu tư, theo quan điểm của chị lương thưởng đóng bao nhiêu % trong việc giữ chân người tài?
Theo nghiên cứu thì lương thưởng chiếm 47% giữ chân người tài, một nghiên cứu khác chiếm 60-65%, còn theo quan điểm cá nhân của mình khoảng 40%.
Bản thân mình tuyển dụng các vị trí nhân sự cho các công ty nhận đầu tư, các cấp càng cao họ càng quan trọng cơ hội thăng tiến và bức tranh tương lai của họ trong đó. Có những vị trí cấp cao sẵn sàng về cho dù lương chỉ tăng 10%-15% nhưng họ được chia ESOP và cổ phần. Có thể ban đầu ESOP rất bé nhưng nếu bức tranh công ty 5 năm tới tăng trưởng thì phần được chia của họ rất lớn. Ngoài việc được sở hữu cổ phần của công ty, họ còn được thoả mãn làm những việc mà trước đây họ chưa có cơ hội thực hiện. Cuối cùng là người làm việc trực tiếp với họ là ai.
Chị đã từng tuyển dụng cựu CEO Best Buy về làm HĐQT của Thế giới di động, hay hiệu trưởng trường quốc tế ở Anh về làm Chủ tịch trường Việt Úc, làm thế nào để chị thuyết phục họ về Việt Nam làm việc?
Khoảng năm 2014, quỹ có đầu tư vào hệ thống trường dân lập Việt Úc và quỹ cho rằng thời điểm đó cần tuyển một thành viên HĐQT có kinh nghiệm đã từng làm ở công ty giáo dục, các trường lớn có uy tín trên thế giới để tư vấn cho Việt Úc. Lúc đó mình cùng các bạn trong team đã đưa ra danh sách các trường trên thế giới để tuyển former CEO.
Tìm trên Google ra được một cái tên Marcel van Miert, thấy hồ sơ bác đó rồi mà không thấy số điện thoại chỉ thấy số công ty. Giang gọi điện thoại qua UK, gặp cô thư ký nói tôi gọi từ Việt Nam, tôi có chuyện quan trọng lắm và cần gặp Marcel. Một trường ở UK tự nhiên nghe điện thoại ở đâu có một phụ nữ ở Việt Nam gọi sang thì rất là lạ, và cô thư ký đã cho email của Marcel luôn.
Sau này nhiều thành viên HĐQT mà Mekong tuyển từ nước ngoài về kể rằng lần đầu nhận được mail của mình đã nghĩ không hiểu có bị lừa hay không (cười). Rất may là sau khi gặp đội đầu tư của Mekong Capital thì Marcel đã đồng ý và là người đã đóng góp rất lớn cho sự thành công của Việt Úc sau này.
Thực ra các bác nước ngoài đã nghỉ hưu nghe đến lời mời qua thị trường Việt Nam tư vấn, các bác thích lắm (cười). Thật sự giống như chân trời mới. Họ ở Tây lâu rồi nên với lời mời sang thị trường mới nổi như Việt Nam nếu các bác không bận về thời gian thì hầu hết đều đồng ý.
Cái này có nên chia sẻ không ta, vì cái này đang là vũ khí của Mekong (cười). Mekong rất hào phóng chia sẻ, nếu có nhiều công ty tiếp cận ở ngoài và giúp các công ty phát triển thì xã hội và kinh tế phát triển tốt đẹp hơn mà.
Về phần phát hành ESOP, một số ý kiến cho rằng điều này sẽ giúp giữ chân nhân viên tốt nhưng ở vị trí cổ đông lại cho rằng việc trích lợi nhuận sau thuế để chi trả thưởng cho nhân viên công ty là "không công bằng". Quan điểm của chị về việc này như thế nào?
Mình không nói thay cho Mekong Capital, mà chỉ nói quan điểm của bản thân thôi nhé. Góc nhìn về ESOP phụ thuộc vào quan điểm của người thuyền trưởng về người đi chung với mình như thế nào.
Anh Tài Chủ tịch Thế giới di động không coi nhân viên là quan hệ người mua người bán mà coi đó là thuỷ thủ trên tàu nên việc chia ESOP giống như cùng nhau đi đánh cá và cùng nhau chia lợi nhuận. Nếu là quan hệ mua bán, người mua luôn cố gắng mua rẻ còn người bán tất nhiên là muốn bán đắt, nhưng nếu mối quan hệ 2 bên hợp tác với nhau thì sẽ vì mục tiêu chung.
Mekong Capital ủng hộ chính sách lương thưởng làm sao cho tất cả nhân viên họ cảm thấy có động lực khi đi làm và cống hiến cho công ty. Cái hay của việc trả ESOP là nhân viên luôn muốn làm nhiều hơn khả năng của họ vì phần đó là phần người ta làm chủ, chứ không chỉ là lương hàng tháng.
Trên mạng xã hội chị từng cảm thán nhân viên Mekong Capital, rất xinh, rất giỏi lại FA, có phải vì công việc ở Mekong Capital rất áp lực không?
Đây là một vấn đề hot của nhân sự (cười). "Tại sao nhân viên Mekong xinh đẹp giỏi giang nhưng lại FA?". Thực ra khi làm việc với các bạn 9x mình thấy là thế hệ 9x, 2000 có khuynh hướng đề cao tính cá nhân và cuộc sống, sự hạnh phúc của họ không bị phụ thuộc vào các ràng buộc khác.
Ở tuổi mình hồi xưa 30 tuổi mà chưa thấy dẫn bạn về nhà là bị hỏi nhưng với mấy bạn 9x bây giờ có người yêu hay không đó không phải là vấn đề gì quá to lớn. Họ để mọi thứ tự nhiên và "enjoy life".
Công việc nào cũng áp lực nhưng môi trường Mekong có cụm từ "work-life balance". Nếu nói là cân bằng cuộc sống thì đã tách biệt công việc và cuộc sống rồi. Mekong Capital khá là quan tâm đến "work-life integration" để các bạn trải nghiệm cuộc sống cá nhân ngay tại công ty. Trong đó có quan điểm Love Giver, nghĩa là làm sao đem lại sự hạnh phúc cho những người mình thương yêu, thay vì việc đi làm kiếm tiền rồi đem tiền về nhà và dẫn chồng con bố mẹ đi chơi thì Mekong Capital tổ chức cho bố mẹ chồng con đi chơi cùng luôn.
Tháng 4 này Mekong Capital còn tài trợ tổ chức khóa học "Dạy con truyền sức mạnh" 2 ngày tại Hà Nội và TP.HCM. Tại sao một công ty private equity lại đi làm chuyện đó? Mục tiêu ban đầu Mekong Capital muốn tổ chức cho riêng nhân viên của Mekong Capital để nuôi dạy con tốt hơn, làm sao để phát triển con người và lan toả sự hạnh phúc sau đó lan tỏa để giúp cho cộng đồng.
Có một điều mình phát hiện ra là người Việt Nam rất hào hứng tham gia các khoá học làm giàu nhưng nếu nói tham gia các khóa học dạy con mọi người có vẻ rất mới mẻ.
Phụ nữ ở Mekong Capital được ưu tiên hơn không?
Phụ nữ ở Mekong Capital cũng hơi "quái dị" là nữ nhưng tính nam (cười). Mekong không phân biệt nam nữ, không phân biệt vùng miền văn hóa. Một số công ty ở cùng một vị trí nhưng nhân sự người nước ngoài lương cao hơn người Việt, ở Mekong thì không có chuyện đó. Bình đẳng giới cũng cao, có khi nam còn bị ăn hiếp (cười).
Chị dành thời gian cho bản thân như thế nào?
Mình luôn lên kế hoạch sớm nhất có thể nên không bị động trong vấn đề quản lý thời gian. Mọi thứ đều được sắp xếp trước để kiểm soát được các mối ưu tiên và mối bận tâm trong công việc. Ngoài Mekong Capital thì mình cũng nằm trong ban chấp hành của hội phụ nữ TP.HCM. Như dịp tết Nguyên đán vừa rồi, mình sẽ book lịch trước 2 tuần để Tết sẽ nghỉ 2 tuần. Trong thời gian đó mình sẽ sắp xếp mọi thứ để có thể rảnh rang mà không vướng bận công việc.
Ở Mekong Capital mọi người nghỉ và đi chơi hơi bị nhiều, thậm chí Chris đã plan nghỉ đến 2021. Trừ những việc bất khả kháng, còn nếu mình lên kế hoạch trước thì vẫn có thể chủ động được công việc.
Sau chặng đường nhìn lại chị có hài lòng với công việc không, mục tiêu của chị trong thời gian tới ở Mekong Capital là gì?
Hài lòng thì mới đi làm tới 10 năm chứ, với tính cách của mình nếu không happy thì nghỉ lâu rồi. Đó là hành trình có bổng có trầm nhưng chị nghĩ là nếu nghỉ Mekong Capital thì mình sẽ nghỉ hưu luôn (cười).
5 năm tới mục tiêu lớn nhất của mình sẽ là xây dựng được đội ngũ kế thừa để mỗi thành viên có thể phụ trách những mảng độc lập về con người, văn hóa. Từ việc đó mục tiêu tiếp theo làm sao để có thể tìm ra những cách thức mới để hỗ trợ các công ty nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các CEO và nhân sự các công ty vững mạnh hơn. Cuộc chơi của Mekong ngày càng lớn và đòi hỏi sự tinh nhuệ hơn. Bản thân mình và team mỗi ngày đều phải học hỏi cải thiện để phục vụ điều đó.
Xin cảm ơn chị.