Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trung bình đạt 5.200 tỷ đồng mỗi ngày - theo thông tin từ MXV trong buổi Tập huấn thành viên thị trường quy mô toàn quốc" tổ chức ngày 1/7.
Theo MXV, trong nửa đầu 2022, các kỷ lục giao dịch theo ngày liên tục được phá vỡ trong giai đoạn nửa đầu năm, hứa hẹn sự bùng nổ của thị trường trong 6 tháng cuối năm nay. Điển hình có thể kể đến giai đoạn cuối tháng 2, đầu tháng 3, giá trị giao dịch liên tục được ghi nhận vượt mức 8.000 tỷ đồng mỗi ngày. Đặc biệt, mốc cao nhất của dòng tiền kể từ khi hàng hóa phái sinh chính thức được phép giao dịch tại Việt Nam được xác lập vào ngày 24/2 đã chạm 10.300 tỷ đồng.
Trong các mặt hàng được giao dịch, nông sản và năng lượng là nhóm mặt được lựa chọn giao dịch nhiều nhất tại thị trường Việt Nam, giá trị giao dịch tính riêng hai hai nhóm này thường xuyên chiếm đến 70% tổng lượng tiền của toàn thị trường.
Cụ thể, dầu thô WTI liên thông với Sở NYMEX đang là mặt hàng được các nhà đầu tư trong nước giao dịch nhiều nhất, chiếm 13% tổng giao dịch từ 1/1 đến 31/3. Theo thống kê từ MXV, dầu thô WTI micro đang là sản phẩm có tốc độ tăng trưởng giao dịch lớn nhất và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Tính riêng trong tháng 3/2022, đã có gần 18.500 hợp đồng dầu thô WTI micro được giao dịch, tăng 190% so với tháng 2. Đối với nhóm nông sản, lúa mì, ngô và khô đậu tương trên Sở Chicago lần lượt chiếm 11%, 9% và 8% tỉ trọng giao dịch.
Tại buổi Tập huấn này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh vai trò của hoạt động giao dịch hàng hóa trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước. Ông đề nghị MXV và các Thành viên thị trường tiếp tục duy trì sự chuyên nghiệp, minh bạch trong công tác tổ chức và vận hành thị trường; liên tục cập nhật, đổi mới để cung cấp các công cụ bảo hiểm giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; giúp giao dịch hàng hóa trở thành một kênh đầu tư hiệu quả của các nhà đầu tư trong nước.
Nội dung tập huấn gồm 4 phần chính: Phổ biến, giải thích các quy định mới trong Quy chế Thành viên, Bộ Quy định xử lý vi phạm Thành viên của MXV; một số lưu ý đối với Thành viên trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính với MXV; các vấn đề liên quan đến Hạn mức giao dịch, quản lý rủi ro khi thị trường biến động lớn; Quy chế Quản lý, sử dụng ký quỹ bảo đảm tư cách Thành viên và Khoản hỗ trợ rủi ro thanh toán.
"Do tính chất liên thông 24/7 với thị trường thế giới, MXV đã liên tục cập nhật các quy chế, quy định để đảm bảo các hoạt động giao dịch hàng hóa tại Việt Nam tuân thủ đúng các thay đổi trong quy định của các Sở Giao dịch quốc tế. Đặc biệt, sau những biến động lớn của giá hàng hóa nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm, việc nhanh chóng thay đổi, điều chỉnh và hội nhập với xu hướng chung trên thị trường thế giới là điều rất quan trọng đối với một thị trường còn non trẻ như Việt Nam", ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc thường trực MXV cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc thường trực MXV.
Với mô hình quản lý 2 cấp, các thành viên thị trường là những "cánh tay nối dài" giúp MXV tổ chức và vận hành thị trường một cách hiệu quả. Tính đến cuối tháng 6/2022, MXV đang quản lý 33 Thành viên kinh doanh và 2 Thành viên môi giới, cùng các chi nhánh, văn phòng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Đáng chú ý trong buổi tập huấn này, MXV thông báo sẽ tổ chức đánh giá, xếp hạng Thành viên định kỳ hàng năm. Theo MXV, bộ tiêu chí đánh giá Thành viên sẽ bao gồm: Tiêu chí an toàn tài chính, Tiêu chí hoạt động giao dịch, Tiêu chí tuân thủ và Tiêu chí minh bạch thông tin. Các tiêu chí này sẽ được đánh giá một cách minh bạch, với kỳ vọng tạo động lực giúp thị trường hàng hóa phát triển bùng nổ hơn trong tương lai.