Cách TP.HCM khoảng một giờ lái xe về phía đông là một khu công nghiệp với những đống kim loại thô khổng lồ được che phủ bằng những tấm bạt đen. Trải dài hàng km, khối tải sản được nhiều người thèm muốn này có thể trị giá khoảng 5 tỷ USD theo giá nhôm hiện tại.
Trong thế giới của những người kinh doanh nhộm, họ cho rằng kho dự trữ nằm ở Việt Nam này là kho lớn nhất mà họ từng thấy. Tuy nhiên, trong khi nguồn cung của thị trường đang thiếu hụt trầm trọng, người ta không kỳ vọng kho dự trữ này có thể sớm được giải phóng ra thị trường.
Duncan Hobbs, nhà phân tích của Concord Resources, cho biết kho dự trữ này tương đương với toàn bộ mức độ tiêu thụ nhôm hàng năm của Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới. "Chúng ta đang chứng kiến mức thâp hụt lớn nhất trên thị trường thế giới trong ít nhất 20 năm qua. Kho dự trữ này không chỉ lấp đầy khoản thâm hụt đó mà còn dư ra".
Kho dự trữ nhôm trị giá 5 tỷ USD tại Việt Nam. Ảnh: Google Maps.
Kho nhôm này đã bị thu giữ như một phần của cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ khởi xướng vào năm 2019, nhắm đến một tỷ phú Trung Quốc, người được gọi là "vua nhôm". Số nhôm được nhập từ Trung Quốc bởi công ty có tên Global Vietnam Aluminium Ltd (GVA). Cuộc điều tra chưa kết thúc, mặc dù những kết luận điều tra ban đầu với GBA đã bị huỷ bỏ vì thiếu bằng chứng.
1,8 triệu tấn nhôm vẫn được lưu giữ dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh, chỉ có một lượng nhỏ đưa được vào dây chuyền sản xuất của GVA. Bloomberg cho biết họ không thể liên hệ với GVA để đưa ra bình luận.
Sự phục hồi chóng mặt của kinh tế thế giới đồng nghĩa giá trị của núi nhôm này đã tăng 50% kể từ khi bị thu dữ. Nếu bắt đầu giải phóng kho, tác động của nó có thể tạo ra địa chấn. Nó đủ để xoá bỏ thâm hụt toàn cầu xuất hiện trên thị trường nhôm trong năm nay, và một đợt bán tháo có thể khiến giá lao dốc.
Tuy nhiên, CRU – một trong những công ty tư vấn quan trọng nhất của ngành, đã loại bỏ kho dự trữ nhôm tại Việt Nam ra khỏi ước tính hàng tồn kho của mình. Công ty này cho biết một phần trong núi nhôm này đã hơn 10 năm tuổi và có thể phải bán dưới dạng phế liệu.
Những gì mà núi kim loại này mang lại là một lời nhắc nhở về lịch sử hỗn loạn gần đây của thị trường nhôm.
Trong thập kỷ qua, các nhà kinh doanh nhôm không ngừng lo lắng về tình trạng dư thừa khổng lồ diễn ra. Hơn một nửa nhà sản xuất toàn cầu đã thua lỗ nhưng họ không thể tắt lò luyện bởi khi đó, thua lỗ sẽ còn nặng nề hơn. Do đó, từng tháng, lượng kim loại tồn trữ tiếp tục tăng lên.
Khi đó, ngân hàng và các nhà kinh doanh bắt đầu mua và tích trữ kim loại này. Vào giai đoạn nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi vào những năm 2010, các nhà sản xuất lớn như Coca-Cola hay MolsonCoors nhận thấy mình đang thiếu nhôm trong khi hàng núi kim loại này vẫn nằm ở các cảng lớn trên thế giới. Khi nhu cầu tăng trở lại, nhôm vẫn chỉ được cấp nhỏ giọt cho thị trường. Thậm chí vào năm ngoái, người ta còn tiếp tục lo sợ về tình trạng dư thừa tiếp tục diễn ra bởi đại dịch.
Tuy nhiên, với nhu cầu tăng cao trong năm nay còn Trung Quốc hạn chế nguồn cung, các núi nhôm kể trên tiếp tục biến mất khi các nhà sản xuất cần chúng nhất. Kamil Wlazly, nhà phân tích kim loại cao cấp tại Wood Mckenzie ở London cho biết: "tích trữ nhôm đã giảm với tốc độ rất nhanh, theo cách mà không ai có thể chuẩn bị trước".
Giá nhôm leo thang, tồn kho giảm sút mạnh sau nhiều năm ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung.
Tình trạng khan hiếm mặt hàng này xảy ra ở nhiều cảng công nghiệp lớn trên thế giới. Ảnh vệ tinh cho thấy một kho hàng lớn ở New Orleans thuộc sở hữu của Casleton Commodities đã được rút bớt. Một kho dự trữ lớn ở cảng Klang của Malaysia cũng biến mất vào năm 2019. Các kho hàng của London Metal Exchanges ở Detroit và cảng Vlissingen của Hà Lan hiện hầu như khong còn hàng trong khi vào giai đoạn cao điểm, các ngân hàng và thương nhân giữ hơn 3,5 triệu tấn. Câu chuyện tương tự diễn ra ở cảng Rotterdam.
Tuy nhiên, Trung Quốc mới là nơi chứng kiến sự thiếu hụt nghiêm trọng nhất. Tổng tồn kho nhôm tại Trung Quốc hiện chỉ ở mức khoảng 1,2 triệu tấn – tương đương với nhu cầu sử dụng trong 2 tuần, theo nhóm nghiên cứu AZ.
Nước này cũng đang điên cuồng nhập khẩu nhôm. Sau khi "xả lũ" nhôm ra thị trường toàn cầu trong nhiều năm, Trung Quốc hiện đang khiến dự trữ nhôm của thế giới giảm nhanh chóng.
Tham khảo: Bloomberg.