Dưới đây là chia sẻ của Euny Hong, 1 nhà báo và là tác giả của cuốn sách “Sức mạnh của Nunchi: Bí mật để hạnh phúc và thành công của người Hàn Quốc". Cô tốt nghiệp ĐH Yale ngành triết học, đã có nhiều bài đăng trên The New York Times, The Financial Times, The Washington Post, The Wall Street Journal vàThe Boston Globe.
Tuy sinh ra ở Mỹ và lớn lên trong một gia đình nói tiếng Anh hoàn toàn, có một số từ tiếng Hàn tôi không bao giờ quên được. Một trong những từ đầu tiên tôi học được từ khi còn là một đứa trẻ là "nunchi" (phát âm là noon-chee), nghĩa đen là "thước đo bằng mắt". Nghệ thuật "nunchi" 5.000 năm tuổi liên quan đến việc nhận biết những gì người khác đang nghĩ và cảm nhận.
Một người sở hữu "nunchi" nhạy bén có thể đánh giá nhanh chóng tâm trạng và bản chất chung của các mối quan hệ và thứ bậc trong bất kỳ môi trường xã hội nào - và biết cách phản ứng lại một cách phù hợp nhất.
Sử dụng "nunchi" như một công cụ gia tăng thu nhập
Ở Hàn Quốc, "nunchi" được ví như một khả năng siêu nhiên. Nó không chỉ là bí quyết để sống một cuộc sống hạnh phúc hơn mà còn có thể giúp bạn thực hiện công việc tốt hơn và tiếp tục nhận được các khoản thu nhập mà bạn xứng đáng nhận được.
Điều tuyệt vời về "nunchi" là nó không phải là một năng lực bẩm sinh. "Nunchi" có thể được mài giũa bằng cách tuân theo một bộ quy tắc - chẳng hạn như bỏ đi những định kiến của bạn (để quan sát và nhìn nhận một cách đúng đắn môi trường xung quanh) và hiểu được những suy nghĩ ngầm ẩn (bởi mọi người thường không nói ra những gì họ thực sự nghĩ).
Nhưng có một quy tắc đặc biệt quan trọng nếu bạn muốn gia tăng thu nhập của mình: Không bao giờ bỏ lỡ cơ hội tốt để im lặng. Tại sao? Bởi vì nếu bạn chờ đợi đủ lâu, hầu như mọi câu hỏi của bạn sẽ được trả lời - mà không cần bạn phải nói một lời nào.
Điều này nghe có vẻ kỳ lạ với nhiều người, vì nói lên suy nghĩ của mình là một điều được khuyến khích trong xã hội hiện đại, đặc biệt là ở phương Tây. Tôi thấy điều này thật buồn cười, vì chúng ta cũng đồng thời tôn vinh cả mẫu người mạnh mẽ, im lặng, giống như những chàng cao bồi hay những nhà lãnh đạo quân sự nghiêm khắc. Nhưng bất kỳ nhà đàm phán lành nghề nào cũng sẽ nói với bạn rằng im lặng có thể đưa bạn đến những vị trí tốt hơn.
Nghệ thuật "nunchi" trong đàm phán
Lấy Thea làm một ví dụ: Thea gặp ông chủ của mình để yêu cầu tăng lương. Cô ấy đã được đề bạt để thăng chức, nhưng mức lương mới của cô vẫn chưa được quyết định.
Một nhà đàm phán có kinh nghiệm sẽ khuyên Thea tìm hiểu về biên độ thu nhập mà sếp cô ấy hướng đến trước khi họ bắt đầu nói chuyện. Điều này tuân theo quy tắc "nunchi": không bao giờ bỏ qua một cơ hội tốt để im lặng; nếu bạn tiếp tục lắng nghe, bên kia sẽ cho bạn biết mọi thứ bạn cần biết trước khi bạn hỏi.
Thea đã biết từ những quan sát trước đó rằng ông chủ của cô có xu hướng trò chuyện phiếm. (Nếu một căn phòng trở nên quá yên tĩnh, ông sẽ thường tự lấp đầy bằng giọng nói của chính mình.) Vì vậy, Thea đã ngồi xuống và nói đơn giản rằng cô muốn thảo luận về việc tăng lương khi được thăng chức.
Sau đó, cô sẽ tạo ra một khoảng lặng mà ông chủ của cô cảm thấy có nghĩa vụ phải lấp đầy. "Tôi đã đoán được rằng cô rất tức giận vì chúng tôi đã không tăng 3% lương cho cô vào năm ngoái", ông nói.
Thea rất ngạc nhiên; cô thậm chí còn không biết được việc mình đáng nhẽ được tăng lương. Tuy nhiên, cô vẫn không nói gì cả. Điều này tất nhiên làm cho ông chủ của cô ấy nói nhiều hơn. "Điều này cũng dễ hiểu thôi. Trong hai năm thì lương của cô xứng đáng tăng 6%, nhưng nếu cao hơn thì…"
Một lần nữa, Thea tiếp tục im lặng. Ông chủ của cô nói tiếp: "Ý tôi là, chúng tôi không thể trả một mức lương 6 chữ số được. Con số đó cao hơn 25% so với thành viên có thành tích cao nhất trong nhóm của cô."
Đó là câu trả lời mà Thea đang tìm kiếm. Một cách vô thức, ông chủ của cô đã đưa ra phạm vi chính xác của những gì cô nên yêu cầu. Giới hạn dưới: tăng 6% trên mức lương hiện tại của cô. Giới hạn trên: 80.000 USD ( theo uớc tính của Thea về mức lương của thành viên có thành tích tốt nhất trong nhóm cô, dựa trên "6 chữ số"- nghĩa là 100.000 USD - con số mà ông chủ vô tình "buột miệng".)
Thea biết rằng công ty sẽ phê duyệt một con số thấp hơn nhưng có thể chấp nhận được. Cô ấy cuối cùng đã được tăng 20% lương. Và bởi vì ông chủ của cô ấy tiết lộ suy nghĩ của mình, Thea hài lòng khi biết rằng mình đã không bị thiệt thòi.
Mọi người thường nói rằng một cuộc đàm phán công bằng không bắt đầu cho đến khi ít nhất một bên bị xúc phạm bởi lời đề nghị của bên còn lại. Nếu sếp của bạn bị sốc bởi con số mà bạn đưa ra, hãy đừng chùn bước. Điều đó có nghĩa là bạn đang đi đúng hướng.
Một chiến thắng nhỏ vẫn là một chiến thắng
Tất nhiên, không phải tình huống nào cũng áp dụng được chiến thuật này. Có thể bạn đã sử dụng "nunchi" để thương lượng giá của một ngôi nhà bạn thực sự thích. Bạn đã sử dụng đôi mắt, đôi tai và một tâm trí để đánh giá hoàn cảnh. Bạn hạn chế tối đa việc nói ra suy nghĩ của mình.
Tuy nhiên, bạn vẫn phải từ bỏ vì chủ sở hữu không linh hoạt về giá cả. Đó không phải lỗi của bạn. Đó vẫn là một chiến thắng nhỏ, bởi vì người môi giới giờ đây biết rằng bạn không phải là một người mua nhà qua loa. Điều đó khiến vị trí của bạn trong các cuộc đàm phán tương lai sẽ cao hơn rất nhiều.
Vì vậy, chịu trách nhiệm về "nunchi" của bạn, hãy cố gắng trở nên mạnh mẽ và cẩn trọng với mỗi lần phát ngôn. Người ồn ào nhất trong một cuộc đàm phán thường không phải là người giành chiến thắng. Hãy tạo ra các khoảng lặng để người khác có thể bước vào.
Tham khảo CNBC